Cộng điểm ưu tiên đại học: Không thể cào bằng
Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay cơ chế cộng điểm ưu tiên vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Các chuyên gia cho rằng cơ chế này cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo công bằng với thí sinh.
Thay đổi cách cộng điểm chứ không xóa bỏ
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định.
Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.
Trước nhiều ý kiến trái chiều về cơ chế cộng điểm ưu tiên, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay, bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các thí sinh có điều kiện học tập khác nhau. Khi điều kiện tiếp cận giáo dục không ngang nhau thì chính sách này rất cần thiết để làm tốt công tác giáo dục đối với những nơi khó khăn.
Một chính sách nhân văn nhằm bảo đảm bình đẳng trong giáo dục. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về đánh giá, cơ hội, tiếp cận. Xuất phát từ ý nghĩa đó nên TS Long cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên nên thay đổi chứ không nên xóa bỏ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cộng điểm ưu tiên như thế nào là câu chuyện phải tính kỹ, chứ không thể cào bằng, để làm sao vừa đáp ứng 2 khía cạnh: công bằng và bảo đảm bình đẳng trong giáo dục.
Từ thực tế qua công tác đào tạo và phổ điểm các thí sinh xét tuyển đại học trong những năm vừa qua, TS Long cũng nhìn nhận, cơ chế cộng điểm ưu tiên nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay thì còn bộc lộ một số bất cập.
Theo TS Long, việc cộng điểm ưu tiên tới đây nên xét theo hướng: Đối với thí sinh ở vùng được cộng điểm ưu tiên khi đạt mức điểm nào thì nên cộng bao nhiêu điểm là phù hợp.
TS Long nêu ví dụ, một thí sinh ở khu vực ưu tiên cộng điểm khi đạt điểm thi tốt nghiệp THPT là 26 điểm thì sẽ được cộng điểm ưu tiên bao nhiêu để phù hợp và công bằng với các thí sinh ở khu vực 3 không được cộng điểm, tức là thí sinh đạt điểm càng cao thì điểm cộng ưu tiên sẽ giảm đi.
“Nếu thực hiện được việc này, sẽ tạo ra chất lượng trong việc tổ chức các hoạt động giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Bởi vì nếu một thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều trong khi năng lực thực sự không đạt như vậy thì khi em đó trúng tuyển e rằng sẽ không bảo đảm chất lượng”, TS Nguyễn Phi Long nói.
Cộng điểm ưu tiên như dùng thuốc bổ đúng liều lượng
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT giữ quan điểm chưa thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử.
Bởi thực tế cho đến thời điểm hiện nay, điều kiện học tập ở các vùng miền của nước ta vẫn có sự khác biệt, không phải nơi nào cũng có điều kiện học tập như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
“Ở những nơi khó khăn điều kiện học tập làm sao đạt được giống như nơi thuận lợi. Cho nên chính sách cộng điểm ưu tiên của Nhà nước cũng như nhiều chính sách khác cho những vùng khó khăn như vậy để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, tôi cho là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Với thí sinh ở khu vực khó khăn, nhờ chính sách cộng điểm ưu tiên đã mở ra cơ hội trúng tuyển đại học cho nhiều em. Sau khi tốt nghiệp, các em quay về địa phương, làm cán bộ và phấn đấu từng bước để tạo sự phát triển kinh tế xã hội cho những vùng khó khăn.
Bên cạnh cơ chế cộng điểm ưu tiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, có nhiều chính sách ưu tiên khác nhau để thúc đẩy việc học như: các em vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn có thể học ở các trường dân tộc nội trú, các trường dự bị đại học để nâng cao trình độ.
Theo chuyên gia này, chỉ khi nào chính sách trên được làm tốt thì lúc đấy không cần cơ chế cộng điểm ưu tiên. Còn như điều kiện hiện nay, việc cộng điểm ưu tiên rất cần thiết tuy nhiên không phải cộng điểm quá nhiều, đôi khi làm trình độ của người học giảm sút.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ví việc cộng điểm ưu tiên quá nhiều như việc một người uống thuốc quá liều sẽ gây tác dụng ngược.
“Cần tính toán, điểm ưu tiên ở mức độ nào để tạo được nguồn đào tạo chất lượng. Nếu thí sinh đó có năng lực chưa đạt nhưng nhờ được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển vào đại học, hay những ngành hot, trường hot thì có thể trường học sẽ đào tạo ra một cán bộ không chất lượng. Thế nên, việc cộng điểm ưu tiên cũng như giống việc dùng thuốc bổ, làm sao tính toán liều lượng cho vừa phải mới chữa được bệnh”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, Bộ đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực.
Do đó, Bộ GDĐT dự kiến từ mức điểm giỏi (điểm thi), điểm ưu tiên của thí sinh sẽ điều chỉnh theo hướng giảm tuyến tính. Còn mức điểm nào được xem là giỏi, thì Bộ còn cân nhắc.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho hay, Bộ cũng đang cân nhắc cho phép thí sinh được hưởng ưu tiên theo lần hay theo năm. Nếu theo lần thì thí sinh chỉ được hưởng 1 lần ưu tiên; theo năm thì Bộ sẽ quy định thí sinh chỉ được hưởng điểm ưu tiên trong 2 năm liên tiếp, kể từ năm các thí sinh tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ được thực hiện từ mùa xét tuyển năm 2023.
Theo dự kiến, Bộ GDĐT sẽ ban hành chính thức quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non trong tuần này.