Nông sản Việt: Tiếp cận thị trường thế giới bằng ý tưởng mới
Nhiều sản phẩm nông sản Việt như: dừa, mít, thanh long… tưởng chừng chỉ có giá trị hạn chế, và dừng lại ở việc tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, song bằng sự nhạy bén của các doanh nghiệp (DN), những mặt hàng làm từ các sản phẩm trên lại “bắt” được thị hiếu của người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Trăn trở với những lãng phí
Trong hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt đã giới thiệu mẫu sản phẩm bột rau má sấy lạnh do DN này sản xuất được các bạn hàng Thái Lan đón nhận tích cực bởi sự mới lạ, đặc biệt đây là loại thức uống vừa rẻ lại vừa có lợi cho sức khỏe. Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc công ty cho biết, không chỉ các bạn hàng là người Thái mà nhiều đối tác đến từ các nước khu vực Trung Đông, châu Âu, Mỹ La Tinh cũng tỏ ra thích thú với sản phẩm của công ty, nhiều đối tác tham gia hội chợ đã ký kết hoặc ngỏ ý hợp tác lâu dài với công ty.
Suốt nhiều thập kỷ, người dân Bến Tre vẫn đang vật lộn với tình trạng đầu ra các sản phẩm làm từ loại cây dừa. Mới đây, Công ty Vina T&T đã tìm hiểu thị trường, rồi chọn sản phẩm dừa xiêm, một loại đặc sản dừa có chất lượng cao trong các loại dừa ở Bến Tre. Ông Nguyễn Đình Tùng, giám đốc công ty chia sẻ, ông đã xuất thử một container cho đối tác ở Mỹ. Và đúng như dự đoán, dừa xiêm Bến Tre nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ đón nhận. Đối tác đã đặt thêm nhiều hàng và chỉ một năm sau, dừa xiêm Bến Tre đã có mặt tại nhiều quầy hàng bán dừa tươi ở Mỹ. Vina T&T phải xây thêm nhà máy quy mô xử lý 2,5 triệu trái/năm tại Bến Tre để đáp ứng xuất khẩu. “Đây là tiền đề quan trọng để khách hàng quốc tế biết đến sản phẩm dừa Bến Tre. Khi chúng ta bán được với giá tốt, chắc chắn người trồng dừa sẽ cải thiện được đời sống của mình. Ngoài ra, sự kiện này cũng là cơ hội để rất nhiều sản phẩm khác làm từ cây dừa có điều kiện tiếp cận được với khách hàng các nước khác” - ông Tùng nói.
Vốn là kỹ sư nông nghiệp tại vùng đất Long Thành - nơi có nhiều loại cây trồng ăn quả nhất nhì tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là trái mít, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, Long Thành có rất nhiều mít nhưng hầu như các gia đình chỉ trồng mít để ăn vì bán cũng chẳng ai mua. Vào chính vụ, mít chín rụng đầy gốc, người dân đổ mít cho trâu, bò ăn; mít chín không được thu gom còn gây ô nhiễm môi trường. “Hình ảnh đó ám ảnh tôi và tôi nghĩ cách phải thay đổi, không thể để một nguồn lợi cây trồng lãng phí đến như vậy” - ông Viên chia sẻ.
Nghĩ là làm, ông Viên tiếp tục nghiên cứu và nhập công nghệ chế biến, sấy mít từ nước ngoài. Đến năm 1989, ông Viên bắt đầu giới thiệu sản phẩm tại Đài Loan. Sản phẩm mít sấy đã được đưa tới các chợ đêm và lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư tại đây. Sau đó, các đối tác đã ký hợp đồng bao tiêu 5 năm đối với sản phẩm của công ty. Chỉ vài năm sau, mít sấy được bán rộng rãi tại Trung Quốc và Mỹ. Theo ông Viên, xuất khẩu thường chiếm khoảng 50-70% tùy thời điểm, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, đứng thứ hai là Mỹ. Hiện trong nước cũng có nhiều sản phẩm trái cây sấy tương tự của Vinamit nhưng thị trường mít sấy trong nước của Vinamit chiếm khoảng 70-80% thị phần.
Còn nhiều dư địa
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguồn lợi của nông sản trong nước đang còn rất nhiều dư địa nên các DN cần phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận; đồng thời tìm thêm thị trường, đối tác mới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, DN phải nhanh chóng chuyển sang số hóa, thương mại điện tử… “Như ông Kao Siêu Lực với bánh mì thanh long, bánh mì thanh long nhân sầu riêng không chỉ là chia sẻ, giải cứu nông sản mà có thể tạo ra sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu” - ông Doanh nói.
Vị chuyên gia cũng đề cập đến thành công của một DN do ông Lê Duy Toàn ở Củ Chi, TPHCM làm chủ. “Từ cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu trong nước mà DN này đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, bún, bánh tráng, phở…từ thanh long, dưa hấu rồi xuất sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. DN đã rất nỗ lực, kiên trì, sáng tạo để tìm ra cho mình những cơ hội mới” – ông Doanh nhấn mạnh.
Nhiều DN nông sản cũng cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng thực phẩm hiện là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, trước tác động của đại dịch đến nhiều ngành hàng trong nước, việc ngành hàng thực phẩm có “sức đề kháng” tốt để chống đỡ là cực kỳ quan trọng. Và việc đầu tư vào khâu chế biến là một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp thực phẩm nước nhà.
Bên cạnh đó, việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cũng là điều mà các DN thực phẩm cần tranh thủ. Như lưu ý của TS. Frauke Schmitz-Bauerdick - Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức (GTAI) tại Việt Nam, các hiệp định như CPTPP hay EVFTA mang đến triển vọng lớn cho ngành thực phẩm Việt. “Giao dịch trở nên dễ dàng, rẻ và nhanh hơn. Nhưng để cạnh tranh thì ngành thực phẩm Việt phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng” - TS. Frauke mong muốn.