Tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân: Vì sao vẫn chậm giải ngân?
Theo Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 3/6 mới có 19 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp (DN). Trong đó, đã giải quyết hồ sơ cho 100 DN, với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỷ đồng.
Nhiều địa phương chưa chủ động
Từ cuối tháng 3/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương trên vào thực tế còn chậm, tiền hỗ trợ chưa đến tay NLĐ do một số vướng mắc.
Nói về việc chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai thực hiện chính sách, có địa phương đến cuối tháng 5/2022 mới ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Việc thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ về các chính sách cũng như điều kiện hỗ trợ ban đầu chưa cụ thể.
Thứ trưởng Hà cũng cho biết, mặc dù thủ tục viết đơn, xác nhận lập danh sách rất đơn giản nhưng do nhiều doanh nghiệp, người lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ dẫn đến việc chậm lập danh sách đề nghị của các doanh nghiệp. Đặc biệt, là việc hoàn thiện hồ sơ đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động rất chậm.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thì doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2 tháng hoặc 3 tháng nên nhiều doanh nghiệp chờ đủ thời gian để làm gộp hồ sơ. Bên cạnh đó, một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ, một số doanh nghiệp e ngại người lao động trục lợi nên tự ý phát sinh quy định, đòi hỏi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Tại Bình Dương, theo Quyết định số 08 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sẽ có 820.000 lao động được hưởng, với tổng số tiền khoảng 1.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương mới tiếp nhận hồ sơ của 430 doanh nghiệp với gần 10.200 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và hơn 350 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Về hỗ trợ lao động quay lại thị trường lao động, mới có 7 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội nộp hồ sơ.
Không riêng Bình Dương, hiện nhiều địa phương cũng rơi vào tình trạng tương tự, do các doanh nghiệp đang hướng dẫn người lao động kê khai theo mẫu, tuy nhiên việc thu lại nộp còn chậm. Bên cạnh đó việc rà soát đối tượng lao động làm lâu năm hay lao động mới quay lại thị trường để đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quyết định còn nhiều bất cập.
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến trình giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, Bộ LĐTB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành và Ban quản lý của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phổ biến và đôn đốc DN sớm triển khai thực hiện các thủ tục để kịp thời hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với DN rà soát, lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Về phía UBND cấp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị sớm xem xét, thẩm định phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19. Thực hiện các chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, làm sao trong tháng 6 để người lao động cơ bản nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà trọ. Thời gian thực hiện đến 15/8 sẽ kết thúc, hoàn thành được việc này. Đó là ngắn hạn. Còn về lâu dài, chúng ta cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh.