Các giải pháp xử lý nợ xấu mới chỉ xử lý phần ngọn
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐBQH cho rằng: Trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra Nghị quyết 42 còn có những điểm vướng, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu.
Ngày 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn. Trả lời phần tranh luận của ĐB Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, được sự quan tâm của Quốc hội, Nghị quyết 42 ra đời. Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thấy Nghị quyết này có tác dụng rất rõ rệt trong xử lý nợ xấu. Sau khi có Nghị quyết 42, nợ xấu đã được xử lý 380.000 tỷ đồng.
Theo bà Hồng, nếu Nghị quyết 42 không được kéo dài thời hạn thì một số quy định, chính sách trong đó sẽ không thể được đưa vào thực hiện trong thực tế như: việc không được thu giữ tài sản đảm bảo, khoản nợ xấu không được mua bán theo giá thị trường, giá này có thể thấp hơn hoặc cao hơn cái giá trị của khoản nợ, điều này rất khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
“Đặc biệt, khi hệ thống ngân hàng cũng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Bởi, trong thời gian nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 thì doanh nghiệp khó khăn, nên Ngân hàng Nhà nước đã gia hạn thời hạn trả nợ, giãn nợ”-bà Hồng nói.
Từ đó, bà Hồng cho hay, trong quá trình gia hạn Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành rà soát những vướng mắc, những quy định về pháp luật liên quan, cũng như rà soát chính quy định pháp luật về tiền tệ, ngân hàng để tham mưu đề xuất với các cấp thẩm quyền về vấn đề luật hóa xử lý nợ xấu.
Trước đó, trong chiều ngày 8/6, tranh luận với phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phàn bày tỏ băn khoăn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra Nghị quyết 42 còn có những điểm vướng, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu. Do đó, bản thân Nghị quyết còn có những điểm vướng mắc thì việc đề nghị áp dụng toàn bộ Nghị quyết cần được làm rõ thêm.
ĐB Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng: Các giải pháp xử lý nợ xấu mới chỉ xử lý phần ngọn, vấn đề là phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu. Đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm và giải pháp phòng ngừa nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng?
Trả lời bà Hồng cho biết, việc phòng, ngừa là vấn đề rất quan trọng, trong chiến lược phát triển và cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro trong đó có rủi ro về tín dụng, từ các khâu phân định rất rõ trách nhiệm của các tổ chức cũng như các kênh kiểm soát lẫn nhau, quy trình cho vay đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo cho vay đúng điều kiện. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát để thường xuyên có cảnh báo đối với hoạt động cho vay, phòng ngừa.