Sai phạm tại SADECO và SAGRI: Các cựu quan chức đổ lỗi cấp dưới

LÊ ANH 09/06/2022 09:48

Trong cả 2 vụ án tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI), các cựu quan chức TP HCM đều đổ lỗi cho cấp dưới tham mưu sai sót, dẫn đến sai phạm trong việc “bút phê” của lãnh đạo. Trong kháng cáo, cả cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang và cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đều xin được giảm nhẹ hình phạt vì không có mục đích vụ lợi cá nhân.

Cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và cựu Tổng GĐ SAGRI Lê Tấn Hùng
tại tòa phúc thẩm.

“Do quá tin vào cơ quan chủ sở hữu”

Ngày 8/6, tiếp tục ngày làm việc thứ 3 xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Tất Thành Cang cùng 19 người liên quan các sai phạm trong bán rẻ 9 triệu cổ phần xảy ra tại SADECO.

Trước đó, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm xem xét giảm từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù đối với cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Do đó, khi được tự bào chữa trước tòa, ông Tất Thành Cang đã bày tỏ ăn năn, hối cải, thừa nhận trách nhiệm thiếu sót trong công tác kiểm tra do công việc của Phó Bí thư thường trực Thành ủy là quá nhiều đầu việc.

Bị cáo Cang cho rằng, khi Văn phòng Thành ủy TP HCM có báo cáo về phát hành cổ phần SADECO đã không phát hiện kịp thời tờ trình 12A là giả mạo, do đó không ngăn chặn kịp thời, dẫn đến thiệt hại cho nhà nước. Ngoài ra, ông Cang cho rằng, do quá tin vào cơ quan chủ sở hữu, không hình dung ra việc cán bộ văn phòng cấp ủy tự ý thay đổi 1 tờ trình của tập thể đã được cho ý kiến. Cụ thể là vai trò của bị cáo trong bút phê “đồng ý” vào Tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy TP HCM. Nhờ đó, ý kiến của chủ sở hữu chấp thuận 2 phương án phát hành 9 triệu cổ phần tại SADECO mà Văn phòng Thành ủy TP HCM trình lên, sau đó quyết định chủ trương cho các đại diện vốn biểu quyết tại SADECO. Tiếp tục tự bào chữa, bị cáo Cang cho rằng, hành vi sai phạm của mình là không hề có mục đích nào khác và ngay từ đầu cũng không có mục đích vụ lợi cá nhân.

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang mức án 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh này, bị cáo Phạm Văn Thông - cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM lĩnh án 6 năm tù. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Thông kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Dù vậy, đại diện VKS đã nêu quan điểm bác kháng cáo do bị cáo Thông không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ mới.

Ngoài 2 cựu quan chức Thành ủy TP HCM, bị cáo Tề Trí Dũng - cựu Tổng Giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO cũng được đại diện VKS xem xét đề nghị giảm từ 6 tháng đến 1 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nếu bị cáo chặt chẽ hơn thì mọi chuyện sẽ khác

Cùng ngày (8/6), TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM; Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM và bị cáo Lê Tấn Hùng - cựu Tổng Giám đốc SAGRI trong các sai phạm xảy ra tại SAGRI. Tại tòa, bị cáo Lê Tấn Hùng đã thừa nhận tội danh đã truy tố khi được thẩm vấn nhưng xin được xem xét lại hành vi “tham ô tài sản” bởi vì bị cáo đã dùng tiền cá nhân để hoàn trả, khắc phục thất thoát tại SAGRI trước đó. Đối với cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến kháng cáo xin được giảm án để sớm đi thi hành án.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo này cho rằng, bản thân không phụ trách theo dõi SAGRI. Khi nhận được tờ trình về việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức) bị cáo có ký vào văn bản. Lý do ký là bị cáo đã đọc các văn bản Sở ngành tham mưu có trong hồ sơ, đã xem kết luận thanh tra đối với dự án SAGRI mới ký nhưng do sơ suất nên vẫn để xảy ra sai sót. “Bị cáo không phải biết sai mà vẫn làm, đây có thể coi là tai nạn nghề nghiệp của bị cáo, nếu bị cáo chặt chẽ hơn thì mọi chuyện sẽ khác” - ông Tuyến trả lời xét hỏi tại tòa.

Đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan khi cho rằng bản án sơ thẩm đã không phân biệt được các thủ tục pháp lý trong việc chuyển nhượng các dự án bất động sản để xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, dẫn đến tuyên án oan cho bị cáo này. Trình bày trước tòa phúc thẩm, bị cáo Tuấn cho rằng bản thân không vụ lợi, không mất năng lực hành vi và việc bản án sơ thẩm quy kết việc chuyển nhượng vốn phải thực hiện đấu giá là không đúng.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại SAGRI, trong đó tuyên phạt 2 bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn cùng bản án 6 năm tù về cùng tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Trong khi đó, bị cáo Lê Tấn Hùng bị phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và 14 năm tù về tội “tham ô tài sản”. Tổng hình phạt đối với bị cáo này là 25 năm tù.

LÊ ANH