Những khu chợ đường tàu Thái Lan trở lại sau đại dịch
Tiếng chuông tàu lớn đã đánh thức một cụ bà Thái Lan đang ngủ gật trong gian hàng trái cây và hoa của mình, khiến bà vội vã dọn đồ trong mái hiên của mình trước khi đầu máy xe lửa từ từ chạy qua.
Khu chợ đường tàu
Sáu lần một ngày tại Chợ đường tàu Mae Klong, những cư dân địa phương và khách du lịch nước ngoài tranh nhau len lỏi giữa các ngóc ngách, trong khi những người bán hàng bình tĩnh di chuyển giỏ hàng dệt của họ ra khỏi đường ray và đóng ô để mở đường cho tàu chạy.
Hàng trăm chủ quầy kiếm sống dọc theo đoạn đường sắt dài 500 mét ở tỉnh Samut Songkhram, cách thủ đô Bangkok 80 km về phía Tây, bán mọi thứ từ nông sản tươi sống đến rùa sống, cho đến quần áo và đồ lưu niệm.
Người bán rau quả Samorn Armasiri cười lớn: “Mặc dù trông có vẻ rủi ro và nguy hiểm, nhưng mọi thứ ở đây lại không nguy hiểm chút nào”.
Gia đình bà đã kinh doanh một quầy hàng ở chợ - có biệt danh trong tiếng Thái là “talad rom hup”, hay chợ kéo ô - trong suốt 5 thập kỷ, và bà chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ một vụ tai nạn nào.
“Khi tàu từ xa tiến đến, nhân viên lái tàu sẽ bấm còi và thương nhân ngay lập tức nhanh chóng đóng gói đồ đạc, thuần thục như đã diễn tập hàng trăm nghìn lần”, bà nhấn mạnh.
Khi thành của toa tàu chạy thẳng qua, chỉ chừa cho người bán hàng khoảng cách vài cm - những bao rau diếp, bông cải xanh, hành tây, gừng, ớt, cà chua và cà rốt đều được đặt cẩn thận, ngay ngắn bên ngoài đường ray.
Sự trở lại sau đại dịch
Trong những năm gần đây, cảnh tượng này đã trở thành điểm thu hút cho du khách, những người uống nước dừa trong trang phục quần voi và những người đam mê chụp ảnh tự sướng đăng lên mạng xã hội, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh của thương nhân cũng như ngành du lịch địa phương.
Giờ đây, với việc Thái Lan bỏ hạn chế nhập cảnh do đại dịch Covid-19, ngành du lịch lại một lần nữa khởi sắc.
Ella McDonald người Úc, trong hai ngày dừng chân tại Thái Lan trong chuyến hành trình đến Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong số những người vô cùng ngạc nhiên trước sự hỗn loạn có tổ chức trong những khu chợ đường tàu của cư dân địa phương.
“Điều đó thật điên rồ và bận rộn”, cô chia sẻ. “Tôi đã rất sốc khi chứng kiến con tàu lớn đến như thế nào trong một khoảng không gian nhỏ”.
“Đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị. Tôi chưa bao giờ thấy một điều gì giống như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.
Sau khoảng thời gian cuộc sống gián đoạn sau đại dịch Covid-19, người bán cá Somporn Thathom, một chủ vựa cá kinh doanh từ năm 1988, cho biết công việc kinh doanh cuối cùng đã khởi sắc sau 2 năm khó khăn và căng thẳng về tài chính.
“Trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi chỉ kiếm đủ tiền trả cho nhân viên của mình. Tôi chỉ bán được 10 con cá mỗi ngày”, người đàn ông 60 tuổi nói.
“Tôi đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm của mình... và phải vay ngân hàng”.
Quản lý nhà ga Charoen Charoenpun tin rằng, sự độc đáo của khu chợ đường tàu chính là yếu tố thu hút nhiều hơn những du khách đến thăm nơi đây, “Du khách khi đến đây có thể thấy được truyền thống và văn hóa của người dân địa phương Samut Songkhram”.
Nhưng đối với cậu bé William, 8 tuổi người Úc, cảnh tượng khi đoàn tàu chạy qua thật quyến rũ, “Điều thú vị nhất là khi có chuyến tàu đi ngang qua – những người bán hàng nhanh chóng dọn đồ chỉ trong nháy mắt”.