Tìm hiểu kỹ để tránh app tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ
Các ứng dụng (app) vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” ngày càng nở rộ, người dùng khó mà phân biệt với app chính thống.
Ở Việt Nam hiện nay, hành lang pháp lý cho mô hình Fintech, P2P (cho vay ngang hàng) hay hình thức cho vay online của các ngân hàng vẫn còn thiếu, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng những quy định liên quan. Trong giai đoạn chưa đầy đủ, các app ( ứng dụng) cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến thay tên đổi họ mọc lên như nấm.
Với người dân khi sử dụng điện thoại thông minh, chỉ cần nhấn vào các ứng dụng trên điện thoại (app), sau đó chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Nếu người vay không thanh toán được trong vòng từ 3 - 5 ngày, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm.
Các ứng dụng (app) vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” ngày càng nở rộ, người dùng khó mà phân biệt với app chính thống. Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, Bộ TT-TT), từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về. Vậy làm thế nào để phân biệt app chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín và app lừa đảo?
Để người dùng có thể phân biệt được, đại diện NCSC cho biết, khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng (app) có nội dung như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… người dùng có thể nghĩ đến đây là một hình thức của tín dụng đen online vì điều kiện cho vay rất dễ dãi.
Nếu có nhu cầu vay tiền thực sự, đại diện NCSC cho rằng, người dùng cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín trong trường hợp cần sử dụng. Nếu nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen, người dân có thể chủ động cảnh báo đến tại: canhbao.ncsc.gov.vn; Hoặc tìm kiếm các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua “Danh sách đen” tại tinnhiemmang.vn.
Trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Bà Natalia Kovalenko, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Lendtop, đơn vị phát triển nền tảng MoneyCat, một nền tảng dịch vụ P2P nói, hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại hình App cho vay. Một là nhóm các App cho vay i ít đầu tư công nghệ, chỉ cần có người vay tiền liên tục, không quan tâm liệu người vay có thể trả được nợ hay không. Hai là nhóm App cho vay khác sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến từ người dùng để giảm thiểu rủi ro cho bên đơn vị cho vay. Khi đó, các App này sẽ tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt để phân tích khả năng được duyệt vay và khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng.
Bà Natalia Kovalenko cũng đưa ra lời khuyên, trước khi vay qua app khách hàng cần “ lượng trước” được khả năng chi trả của mình, lựa chọn các app vay có uy tín ( công khai thông tin rõ ràng về pháp nhân, minh bạch về số tiền vay, thời hạn thanh toán, phương thức liên hệ chăm sóc khách hàng khi khách hàng có nhu cầu) để khách hàng không bị sảy chân vào lãi suất cắt cổ.