Xe vượt tải 20% sẽ bị tịch thu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Nghị định 100 đã tạo đột phá lớn, nhưng còn một số điểm hạn chế, trong đó có xe quá tải. Do đó sẽ kiến nghị cho vượt 10%. Xe nào vượt tải 10% bị phạt rất nặng. Nếu vượt đến 20% thì tịch thu xe.
ĐB Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, đường nhanh xuống cấp một trong những nguyên nhân là do xe quá tải gây ra. “Chủ xe chủ yếu bị xử lý hành chính mà chưa bị xử lý hình sự. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi xác định được phương tiện, mức độ vi phạm thì có thể xử lý hình sự hay không?”.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ nghiên cứu. Nghị định 100 vừa qua đã tạo đột phá lớn, nhưng còn một số điểm hạn chế, trong đó có xe quá tải. Chúng tôi theo hướng kiến nghị khắt khe với xe quá tải. Hiện quy định cho xe vượt tải đến 50-60%, chúng tôi sẽ kiến nghị vượt 10% thôi. Xe nào vượt tải 10% bị phạt rất nặng. “Nếu vượt đến 20% thì tịch thu xe để răn đe. Không xử lý hình sự, nhưng biện pháp hành chính phải đảm bảo răn đe, an toàn cho các công trình giao thông”- ông Thể nói.
Theo ông Thể, một số chủ xe đi đăng kiểm xong về nhà lắp ghép, cơi nới thùng xe. Vì vậy, cần xử phạt nặng, nghiêm. Vượt tải đến mức độ nào đó phải tịch thu xe thì người ta mới không dám vi phạm. Về kiểm soát xe quá khổ quá tải, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để xử lý vấn đề này. Nhưng thường các loại xe này hoạt động trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn trong đường nhỏ để tránh công an. Do đó địa phương tăng cường kiểm tra các đường, ngõ, các khu công trình, điểm vận chuyển vật tư. Bởi vì lúc đăng kiểm thì các xe đăng kiểm chuẩn, sau đó họ mới vi phạm quá tải, do đó địa phương phải phối hợp theo dõi để xử lý.
Liên quan đến đường hư hỏng nhưng sửa chữa chậm, ĐB Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định); Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cũng phản ánh thực tế về những bất cập đối với quy trình sửa chữa hư hỏng nhỏ trên đường bộ, nhưng theo trình tự thủ tục hiện nay. Theo đó để sửa chữa những hư hỏng nhỏ này vẫn phải lập dự án đầu tư và được phê duyệt theo thủ tục đầu tư công bình thường. Do đó, thời gian để sửa chữa, khắc phục sẽ bị kéo dài làm cho hư hỏng lại lớn hơn nên chi phí sửa chữa tăng lên, thời gian phương tiện di chuyển trên phần mặt đường xấu dài hơn, làm chậm trễ, tốn kém thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách. Từ đó, các ĐB đề nghị Bộ trưởng làm rõ các biện pháp để xử lý bất cập này.
Trả lời, ông Thể cho rằng: Với đường bộ hư hỏng nhỏ, cần sớm sửa chữa để đảm bảo hiệu quả, tiết giảm chi phí, tuy nhiện hiện nay quy trình sửa chữa vẫn còn phải lập dự án đầu tư và được phê duyệt theo thủ tục đầu tư công bình thường. Hiện nay vẫn chưa có quy trình riêng, mà áp dụng quy trình chung để sửa chữa tuyến đường, dẫn tới việc sửa chữa còn chậm, chưa kịp thời. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, phối hợp với các bộ ngành để có hướng xử lý xác đáng.
“Như vừa qua trong lúc dịch bệnh đã tranh thủ sửa chữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Nội Bài. Lúc đó trình Chính phủ xem xét ứng vào dự án cấp bách. Sửa chữa hư hỏng nhỏ, đường thôn xã mà ứng vào dự án cấp bách là không khả thi cho nên sẽ nghiên cứu đặc thù và đưa vào luật đầu tư công để thủ tục nhanh chóng gọn nhẹ”- ông Thể phân trần.