Somalia đối mặt với nạn đói
4 trận hạn hán liên tiếp diễn ra ở vùng Sừng châu Phi (khu vực Đông Bắc Phi), cộng với hỗ trợ nhân đạo bị cắt giảm bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 và bây giờ là cuộc xung đột Nga - Ukraine, đang khiến Somalia đối mặt với nạn đói.
Hạn hán dập tắt nguồn sống
Trận hạn hán ở vùng Sừng châu Phi trong năm nay đã cướp đi sinh mạng 4 người con của Owliyo Hassan Salaad. Giờ đây, cô chỉ còn lại một đứa con duy nhất mới 3 tuổi cũng đang trong tình trạng ốm yếu.
Số người chết đã bắt đầu tăng trong đợt hạn hán khô cằn nhất của khu vực trong 4 thập kỷ. Dữ liệu chưa từng được báo cáo trước đây do các nhóm nhân đạo và chính quyền địa phương tổng hợp cho thấy, ít nhất 448 trường hợp tử vong trong năm nay tại các trung tâm điều trị suy dinh dưỡng trên khắp Somalia.
Tuy nhiên, con số này vẫn được cảnh báo là dữ liệu không đầy đủ, bởi trên thực tế, số người chết do hạn hán vẫn còn rất khó nắm bắt.
Còn nhiều cái chết nằm ngoài thông báo của nhà chức trách. Một số người chết trong các cộng đồng hẻo lánh, một số chết trên các chuyến đi tìm kiếm sự giúp đỡ và một số chết ngay cả khi đã đến các trại di cư vì bị suy dinh dưỡng mà không được hỗ trợ.
Giờ đây, các nhà chức trách ở Somalia, Ethiopia và Kenya buộc phải chuyển sang một nhiệm vụ nghiệt ngã, đó là cố gắng ngăn chặn nạn đói.
Ngày 9/6, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) về Somalia, ông Adam Abdelmoula, cho biết: “Dù vẫn chưa có dữ liệu chính thức, nhưng chắc chắn hàng nghìn người đã chết mà không được hỗ trợ”.
Hạn hán đến và đi ở vùng Sừng châu Phi hàng năm, nhưng không lần nào giống lần nào. Bên cạnh đó, hỗ trợ nhân đạo đã bị cắt giảm bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 và bây giờ là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì và dầu ăn đang tăng nhanh chóng, ở một số nơi tăng hơn 100%. Hàng triệu gia súc cung cấp sữa, thịt và của cải cho các gia đình đã chết.
Ngay cả thực phẩm trị liệu để chữa bệnh cho những người bị suy dinh dưỡng như con trai của Salaad cũng đang trở nên đắt đỏ hơn và ở một số nơi thậm chí còn hết sạch. Nghiêm trọng trên hết, mùa mưa thứ 5 liên tiếp có thể lại không đến.
Nạn đói thậm chí còn đe dọa thủ đô Mogadishu của Somalia khi các trại di cư ở vùng ngoại ô tràn ngập những người mới đến trong tình trạng kiệt sức. Salaad và con trai cô cũng đã bị từ chối khỏi một bệnh viện đông đúc sau khi đến thủ đô một tuần trước.
Thay vào đó, họ được gửi đến trung tâm điều trị cho những người suy dinh dưỡng nguy kịch, nơi các phòng đều chật kín. Tiến sĩ Mustaf Yusuf, một bác sĩ ở trung tâm này cho biết: “Trung tâm đã quá tải. Số lượng bệnh nhân nhập viện tăng hơn gấp đôi trong tháng 5 với 122 bệnh nhân”.
Tính đến tháng 4 năm nay, ít nhất 30 người đã chết tại trung tâm và 6 cơ sở khác do Action Against Hunger điều hành, nhóm nhân đạo cho biết. Trung tâm đang chứng kiến tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng cao nhất kể từ khi nó bắt đầu hoạt động ở Somalia vào năm 1992.
Cần hỗ trợ khẩn cấp
“Sự bùng nổ về cái chết ở trẻ em” sẽ hoành hành ở vùng Sừng châu Phi nếu thế giới chỉ tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và không hành động ngay bây giờ”, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo.
Ông Biram Ndiaye - Trưởng phòng Dinh dưỡng của UNICEF Somalia cho biết: “Bằng kinh nghiệm của mình chúng tôi biết rằng, tỷ lệ tử vong sẽ tăng đột biến khi tất cả các điều kiện như: di cư, bùng phát dịch bệnh, suy dinh dưỡng cùng diễn ra. Và chúng tôi đang thấy tất cả những điều này ở Somalia”.
Các cuộc khảo sát về tỷ lệ tử vong được tiến hành ở các vùng của Somalia vào tháng 12/2021 và một lần nữa vào tháng 4 và tháng 5 năm nay bởi Đơn vị phân tích dinh dưỡng và an ninh lương thực của LHQ đã chỉ ra rằng, tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng diễn ra nhanh chóng trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Đáng báo động nhất là vùng Vịnh ở phía Nam, nơi tỷ lệ tử vong ở người lớn tăng gần gấp ba lần, tỷ lệ tử vong ở trẻ em tăng hơn gấp đôi và tỷ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất tăng gấp ba lần.
Theo Mạng lưới hệ thống Cảnh báo sớm nạn đói, tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng cấp tính đã đạt đến mức cao bất thường ở phần lớn miền Nam và miền Trung Somalia, tỷ lệ nhập viện của trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một yếu tố phức tạp đáng chú ý trong việc kiểm đếm số người chết là nhóm cực đoan Al - Shabab, vốn kiểm soát phần lớn miền Nam và miền Trung Somalia, là một rào cản đối với viện trợ. Phản ứng khắc nghiệt của tổ chức này đối với nạn đói do hạn hán ở Somalia từ năm 2010-2012 là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 250 nghìn người, một nửa trong số đó là trẻ em.
Một yếu tố khác là phản ứng chậm chạp của cộng đồng quốc tế. “Một màn kịch không có nhân chứng”, điều phối viên nhân đạo của LHQ về Somalia cho biết vào thời điểm đó. Thời điểm hiện tại, “hồi chuông” cảnh báo lại đang kêu trở lại.
Đầu tuần, một tuyên bố chung của các cơ quan LHQ cho biết, hơn 200.000 người ở Somalia phải đối mặt với “nạn đói thảm khốc, tăng mạnh so với mức dự báo 81.000 người vào tháng 4”, đồng thời lưu ý rằng, kế hoạch ứng phó nhân đạo cho năm nay chỉ được tài trợ 18%.
Tuy nhiên, tình trạng như Somalia không phải là duy nhất. Theo UNICEF, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán của Ethiopia, số trẻ em được điều trị vì suy dinh dưỡng nghiêm trọng đã tăng 27% trong quý đầu tiên của năm nay so với năm ngoái. Mức tăng là 71% ở Kenya, nơi Tổ chức Bác sĩ không biên giới báo cáo ít nhất 11 trường hợp tử vong trong chương trình điều trị suy dinh dưỡng tại một quận vào đầu năm nay.
Ông Adam Abdelmoula, Điều phối viên nhân đạo của LHQ về Somalia cho rằng, nếu không có hành động khẩn cấp, Somalia chắc chắn sẽ rơi vào nạn đói. Bên cạnh việc bảo vệ mạng sống và ngăn chặn nạn đói, cộng đồng quốc tế cũng phải đầu tư vào sinh kế bền vững, khả năng phục hồi, phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với khí hậu và các giải pháp lâu bền.