Nhiều 'cửa' cho thị trường trái cây
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu rau quả giảm
Lý giải kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh, tại diễn đàn trực tuyến tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam mới đây, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, cho biết do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, tình hình kiểm soát chặt dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó do yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường là Trung Quốc đã làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
“Ngay bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để khi Nhà nước đàm phán mở cửa xong thì sẵn sàng xuất khẩu. Phải ý thức rằng nếu sản xuất theo kiểu cũ sẽ không ai mua, ngay cả bán ở thị trường nội địa cũng cần nâng cao tiêu chuẩn” - ông Tùng nhấn mạnh.
Thực tế tại nhiều địa phương nhờ thay đổi ý thức sản xuất, sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng cũng như mẫu mã nên sản xuất tới đâu bán hết tới đó.
Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, do ý thức sản xuất của người dân được nâng cao nên nông sản trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã cấp được 77 mã số vùng trồng. Hiện sản phẩm trái cây của Sóc Trăng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. Điển hình như quả vú sữa sẽ được thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 40 tấn trong thời gian tới.
Đây là điểm sáng của Sóc Trăng và người dân trong việc chủ động nâng cao chất lượng, đăng kí mã số vùng trồng, tham gia các HTX…
Chủ động nâng tầm thương hiệu
Đánh giá tiềm năng thị trường trái cây của Việt Nam, ông Lương Phước Vinh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng, hiện nay công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam đã được triển khai tốt. Thế nhưng nông sản của Việt Nam lại đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và quá phụ thuộc vào một số thị trường.
Theo đó, ông Vinh gợi mở nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng, nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng.
“Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta”, đại diện Tập đoàn Tentamus chia sẻ.
Về công tác mở rộng thị trường, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Mỹ.
Trung Quốc đã đồng ý để Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.
Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Phía Nhật cũng đã đồng ý xuất khẩu vải vào năm ngoái.
“Hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Đây sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản” - ông Thiệt cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.