Thu phí không dừng chậm tiến độ: Liệu có lợi ích nhóm?

M.Loan-H.Vũ 10/06/2022 07:38

Ngày 9/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): “Cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm. Điều này có đúng hay không?”.

Xả trạm thu phí: Thất thoát ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ ngày 31/7/2022 trạm nào không lắp đặt thu phí không dừng phải xả trạm. Việc này có thực hiện được hay không hay lại xin lùi? Việc lái xe chưa dán thẻ thu phí không dừng khi đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100, như vậy, các trạm thu phí bị lỗi liệu có bị xử phạt không?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Áp dụng thu phí không dừng sẽ giúp việc đi lại thuận lợi, công khai minh bạch vấn đề thu phí. Tuy nhiên, việc thu phí không dừng chưa bảo đảm tiến độ đề ra vì còn nhiều khó khăn như người dân chưa có thói quen với việc này, công nghệ có một số sơ xuất về kỹ thuật...

Theo ông Thể, cả nước hiện có hơn 113 trạm thu phí, hơn 400 làn đường nên không thể đáp ứng kịp về ứng dụng công nghệ, đến năm 2019 cơ bản các dự án BOT đã có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên còn 28 trạm thu phí của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) do vướng mắc về tái cơ cấu nên không có kinh phí triển khai, đến thời điểm này mới giải quyết xong về cơ chế, ký hợp đồng tín dụng để triển khai thu phí không dừng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6 toàn bộ các trạm BOT phải hoàn thành lắp đặt đầy đủ làn thu phí không dừng, chỉ trừ lại 2 làn ở mỗi làn đường để giải quyết những tình huống phức tạp. Riêng các trạm thuộc VEC đến 31/7 phải hoàn thành toàn bộ thu phí không dừng.

“Nếu đến ngày 30/6, các trạm BOT ngoài Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam chưa hoàn thành thì chúng tôi sẽ cho dừng thu phí, khi nào hoàn thiện xong thì mới cho thu phí lại. Các trạm thuộc Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam cũng vậy, đến ngày 31/7 không hoàn thành thu phí không dừng thì phải xả trạm”- ông Thể khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: “Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật”.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, ông đã từng chất vấn câu hỏi về BOT. “Lúc đó Bộ trưởng hứa chắc “như đinh đóng cột” rằng đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng. Nhưng suốt thời gian qua chúng ta làm nửa vời, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT phải minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính. Cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm. Điều này có đúng hay không?” - ông Trí đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hoà Bình) cho rằng, Bộ trưởng nói đến cuối tháng 6 nếu trạm nào không hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng thì phải xả trạm.

“Vậy Bộ trưởng cho biết căn cứ pháp lý nào để buộc xả trạm, khi không điều chỉnh phương án tài chính cho nhà đầu tư? Nguồn thu phí không dừng thực tế là nguồn ngân sách nhà nước để hoàn trả các nhà đầu tư. Nếu xả trạm, mất tiền ngân sách nhà nước thì ai chịu trách nhiệm?” - bà Hà chất vấn.

Trả lời khúc mắc này, ông Thể phân trần: Nếu dán thẻ chưa nhiều mà làm nhiều làn thu phí không dừng thì không sử dụng được. 28 trạm của VEC đến thời điểm này mới ký hợp đồng. Quy định cuối tháng 7 phải hoàn thành thu phí không dừng, và hiện nay đã nhập thiết bị xong, sẽ tiến hành lắp sớm. Chính phủ căn cứ vào cam kết của VEC, nếu không xong thì phải xả trạm.

“Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này” - ông Thể khẳng định.

Không đảm bảo chất lượng cũng là lãng phí

Đó là nhận định của đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang). Ông Sinh cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình 5 dự án giao thông trọng điểm nhằm mở rộng không gian đô thị, tạo hành lang liên kết vùng.

“Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ có giải pháp gì để nâng cao năng lực các dự án. Bộ có khuyến nghị gì với các địa phương có dự án đi qua?”- ông Sinh chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Ngoài 5 dự án cao tốc đang trình, ngành đang triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, cũng như 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay khởi công. Việc này rất khó khăn cho các địa phương về vật liệu xây dựng.

Về quản lý dự án, ông Thể cho hay, hiện các địa phương đều có ban quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý tất cả công trình từ giao thông, xây dựng, nông nghiệp, trong đó có cả công trình vốn ODA. Do đó, Bộ đang kiến nghị các địa phương chọn một ban mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất để hình thành ban quản lý dự án chủ lực cho tỉnh.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 9/6.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vùng kinh tế phía Nam chưa được đầu tư cao tốc tương xứng với tiềm năng.

“Tình trạng này kéo dài hàng chục năm qua. Việc đầu tư hạ tầng giao thông tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì lãng phí, cản trở phát triển rất lớn. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?” - ông Nghĩa nêu vấn đề.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều đã được Trung ương, Chính phủ nhận diện. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cao tốc, đặt mục tiêu làm 5.000 km cao tốc để cân đối giữa các vùng, miền và khai thác tiềm năng các vùng miền. Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội là không gian phát triển các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, nên quyết tâm đầu tư công để hoàn thành.

Theo ông Thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được phản ánh hệ thống cao tốc yếu kém, thu hút đầu tư khó khăn. Vì thế, Bộ đã tham mưu làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề để kết nối các tuyến đường cửa ngõ vào khu vực này và tạo kết nối liên vận quốc tế với Campuchia, nhằm tạo đột phá cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến cao tốc cứu cánh cho cả tuyến Đông Nam Bộ. Nếu không có tuyến cao tốc này, hàng hóa sẽ không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải.

Hay làm tuyến cao tốc từ Tây Nguyên xuống Nam Vân Phong để phát triển vùng này theo hướng công nghiệp.

“Hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được sự mất cấn đối đường cao tốc giữa các vùng miền. “Không đảm bảo chất lượng thì cũng là lãng phí” - ông Thể nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh):

Chất vấn nhiều vấn đề thực tiễn, gai góc

Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn những vấn đề thực tiễn, gai góc, mang hơi thở cuộc sống đối với các thành viên Chính phủ. Quốc hội chọn 4 lĩnh vực chất vấn gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài chính; Ngân hàng Nhà nước, Giao thông vận tải đều là những vấn đề nóng được cử tri và đại biểu quan tâm.

Dù mới hơn 1 năm nhưng theo đánh giá của tôi, các thành viên Chính phủ cũng đã thể hiện được sự nắm bắt đầy đủ các công việc của mình. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đặt ra đã được các thành viên Chính phủ trả lời tương đối đầy đủ các nội dung. Tuy nhiên trong thời gian ngắn như vậy để thoả mãn mong muốn hay chưa, thì chỉ đạt ở mức 70-80%.

Do đó các đại biểu Quốc hội sẽ được nhận thêm trả lời bằng văn bản từ các chất vấn của mình trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ):

Giám sát việc thực hiện lời hứa

Trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám được chủ đề của chất vấn lần này. Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn nắm được vấn đề, nhiều Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn như Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thể hiện sự am hiểu, trả lời rất sát vấn đề.

Trong quá trình điều hành, ngoài việc gợi mở cho người trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến góp thêm cho câu trả lời, làm rõ hơn ý của đại biểu giúp vấn đề đưa ra càng sát hơn, đáp ứng chủ đề đặt ra. Chất vấn không phải là “thách đố” mà để làm sáng tỏ vấn đề và gợi mở thêm.

Qua lần này những trả lời chất vấn sẽ được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành để lời hứa được thực hiện nhanh nhất, có thể đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước.

Hoài Vũ(ghi)

M.Loan-H.Vũ