Một kỳ chất vấn đặc biệt
Hôm qua (ngày 9/6), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đăng đàn làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; sau khi Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Giao thông vận tải. “Mùa” chất vấn lần này được dư luận cho là khá chất lượng từ người chất vấn (đại biểu Quốc hội) lẫn người trả lời chất vấn (4 tư lệnh ngành).
Như vậy là với 2,5 ngày chất vấn tại kỳ họp lần này, nhiều vấn đề hết sức quan trọng của đất nước, của đời sống người dân đã được đặt ra và lý giải ngay tại diễn đàn Quốc hội. Những vấn đề nóng về nông nghiệp - nông thôn - nông dân; về tài chính - ngân hàng; về giao thông vận tải được các đại biểu Quốc hội nêu lên một cách rõ ràng, đòi hỏi sự kiến giải của các tư lệnh ngành cũng phải rõ ràng, cụ thể.
Cũng tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn lần này, câu hỏi về những thách thức biến đổi khí hậu đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như chiến lược phát triển vùng đất rộng lớn này một lần nữa được nêu lên.
Theo đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là sinh kế của cộng đồng dân cư nông thôn.
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều, trong đó có việc người dân chuyển tới các thành phố, khu công nghiệp tìm kiếm việc làm; vấn đề giáo dục và nhân lực; vấn đề phát triển hệ thống giao thông đường bộ - trong đó có các tuyến cao tốc.
Chất vấn là hình thức giám sát tối cao, trực tiếp và thường xuyên của Quốc hội, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Do đó, các phiên chất vấn tại mỗi Kỳ họp Quốc hội luôn là nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi. Kỳ chất vấn lần này có thể nói là rất đặc biệt khi mà đất nước đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, đòi hỏi phải tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, không được chậm trễ, không được “nhìn trước ngó sau” mà phải dám chịu trách nhiệm, dám dũng cảm và sáng tạo trong phần việc được giao.
Cử tri và nhân dân trông đợi các tư lệnh ngành phải mạnh dạn hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, đặt quyền lợi của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Kỳ chất vấn lần này cũng là lúc cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy lên rất cao. Nhiều vụ việc thuộc loại “đại án” đã được chỉ rõ, trong đó có vụ thao túng cổ phiếu ở FLC, vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Tân Hoàng Minh, trục lợi trong dịch Covid-19 từ Công ty Việt Á đã lộ ra cả một đường dây cấu kết rất chặt chẽ khiến Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ (thời kỳ đó), Bộ trưởng Y tế, nhiều lãnh đạo của Học viện Quân Y 103, nhiều giám đốc CDC cũng như lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành bị khởi tố, bắt tạm giam. Và, cũng không thể không kể đến việc sai phạm tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã và đang tiếp tục được cơ quan chức năng xử lý.
Kỳ chất vấn - trả lời chất vấn của Quốc hội lần này đã khép lại, nhưng chính từ sự đặc biệt của nó mà chắc chắn dư âm vẫn còn rất lâu dài. “Dư âm” ấy cũng chính là giám sát sau chất vấn, giám sát lời hứa của các tư lệnh ngành.
Nói như ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì, trách nhiệm ở mỗi lĩnh vực chất vấn được “cột chặt” với trách nhiệm cá nhân từng chức danh được chất vấn.
Các khiếm khuyết tồn tại ở mỗi lĩnh vực không thể đổ thừa cho ai được, không có chuyện tập thể chịu trách nhiệm chung. Bản thân mỗi chức danh phải tự giác phấn đấu vươn lên trên vị trí công tác của mình. Chính vì vậy mà cần phát huy mạnh mẽ hình thức giám sát hoạt động chất vấn.