Không có lợi ích nhóm khi ban hành văn bản pháp luật

M.Loan - H.Vũ 10/06/2022 07:59

Ngày 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày của các thành viên Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn sáng 9/6.

Không bỏ môn Lịch sử

Chất vấn đầu tiên, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) hỏi: Những ngày vừa qua rất nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và xã hội quan tâm, có ý kiến khác nhau về thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này?

Trả lời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn Lịch sử rất cụ thể. Giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn.

Từ lớp 4 đến lớp 9 môn Lịch sử và Địa lý là bắt buộc, thời lượng 560 tiết; phân môn Lịch sử chiếm 280 tiết. Giai đoạn từ lớp 10 đến 12, Lịch sử là môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.

Một số ý kiến cho rằng, để môn Lịch sử là môn tự chọn dẫn đến “khai tử” môn học này nhưng thực tế không phải như vậy.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học... tổ chức hội thảo để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học môn Lịch sử, kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường và chú trọng.

Khoảng 1.000 cơ sở nhà đất công chưa được xử lý

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) về quản lý sắp xếp tài sản công, đặc biệt đất bỏ hoang phí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Chính phủ đã có những văn bản quy định về vấn đề này.

Đó là Nghị định 67 năm 2021 rà soát các cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng. Cơ quan đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về cho địa phương quản lý.

Theo tổng hợp của 9 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương thì tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là hơn 10.200. Kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư là giữ lại, tiếp tục sử dụng hơn 8.100 cơ sở; thu hồi 117; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236; phương án 302 cơ sở chuyển giao về cho địa phương xử lý. Hiện khoảng 1.000 cơ sở chưa xử lý.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cùng các bộ ngành, địa phương rà soát cơ sở nhà đất, đặc biệt là khu vực để hoang hóa, không sử dụng. Đây cũng là tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương về sử dụng hiệu quả đất đai trên cả nước.

Có lợi ích nhóm trong ban hành luật hay không?

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) chất vấn: Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đây đó vẫn còn lợi ích nhóm, bộ, ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào? và có giải pháp gì khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?” - ông Chung hỏi.

Trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội đưa ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Phải chỉ ra cụ thể lợi ích nhóm nào? Bởi để đảm bảo chất lượng văn bản thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ. Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật và đánh giá chính sách mới đề nghị xây dựng luật.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khi xây dựng phải lấy ý kiến đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến đông đảo nhân dân... Tổ chức các hội nghị để góp ý và tiếp thu, qua đó cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, và ý kiến thẩm định cuối cùng là của Bộ Tư pháp, sau đó đưa ra Chính phủ.

“Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp hoặc các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để xem xét các dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội. Quy trình đó hết sức chặt chẽ và nếu tuân thủ các quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành địa phương trong ban hành luật khó có thể xảy ra” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

M.Loan - H.Vũ