Tuyên Quang: Khai mạc Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn
Sáng 10/6, tại Tuyên Quang, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Dự hội thảo có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang; đại diện Ủy ban MTTQ 9 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang; một số chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong việc xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu ngày càng cấp bách và được các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều rất quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.
Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, từ năm 2006, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, hiện đã được nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng như mô hình “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường" gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện Mặt trận đang duy trì, xây mới và nhân rộng mô hình điểm "vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”; xây dựng điểm và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn...
“Từ những mô hình trên, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định và cho biết qua thực tiễn, các mô hình điểm đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, tạo thành phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhất là góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai xây dựng mô hình điểm như nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên - môi trường của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước và cam kết bảo vệ tài nguyên - môi trường.
Các mô hình do MTTQ triển khai thực hiện ban đầu rất có hiệu quả, nhưng do kinh phí hỗ trợ của ngành Tài nguyên và Môi trường để xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường ở khu dân cư chưa được đầu tư tương xứng và không thể duy trì điểm lâu dài nên một số mô hình chưa đảm bảo tính bền vững.
“Một số nơi cấp ủy, chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý, bảo vệ môi trường, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, nhất là tại địa bàn dân cư; chưa phát huy được trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài chia sẻ.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài gợi mở các ý kiến tại Hội thảo cần tập trung vào việc cần có cơ chế, chính sách và một mô hình tổng thể trên phạm vi cả nước làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn tại khu dân cư hay không cũng như kinh nghiệm và những cách làm hay sáng tạo trong xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn tại khu dân cư và công tác phối hợp với ngành tài nguyên và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của UBTƯ MTTQ Việt Nam và sự phối hợp, tạo điều kiện của Ủy ban MTTQ 9 tỉnh tham dự Hội thảo, góp phần giúp tỉnh Tuyên Quang dành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang và MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp hiệu quả hơn nữa để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong chặng đường phát triển, hội nhập, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Mặt trận các cấp, nhất là đại biểu ở khu dân cư với những kinh nghiệm, cách làm rất cụ thể, thiết thực, hiệu quả; thảo luận, chia sẻ thêm những kinh nghiệm cách làm hay, những khó khăn, tồn tại ở địa phương và đưa ra các sáng kiến, đề xuất các giải pháp xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thời gian tới.