11% công nhân thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng

Thanh Giang 10/06/2022 11:49

Thông tin trên được TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội”, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 10/6.

TS Vũ Minh Tiến nêu lên một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng. 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

Theo TS Vũ Minh Tiến, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh.

Thu nhập của công nhân bị giảm trước tác động của dịch bệnh.
Thu nhập của công nhân bị giảm trước tác động của dịch bệnh.

Đề cấp đến tình trạng gần đây nhiều người lao động thi nhau rút bảo hiểm xã hội, TS Vũ Minh Tiến khẳng định, hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nếu rút bảo hiểm nhưng phải rút vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Chưa kể sự lo lắng chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi sẽ thiệt thòi về sau.

Trước thực trang trên, ông Tiến đề nghị, cần tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

Lương không tăng, thu nhập giảm nhưng giá cả hàng hóa tăng chóng mặt.
Lương không tăng, thu nhập giảm nhưng giá cả hàng hóa tăng chóng mặt.

Thông tin thêm về thị trường lao động, TS Vũ Minh Tiến cho biết, thời gian qua có sự dịch chuyển lao động một cách tích cực. Lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước.

Thanh Giang