Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
Sáng 10/6, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn sâu sắc về lĩnh vực này trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, tổ chức 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề, tổng hợp, tiếp thu hơn 600 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học…
Từ kết quả báo cáo các chuyên đề, kết quả các hội thảo, tọa đàm, ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án để xin ý kiến các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Ông Phan Đình Trạc nói rõ, dự thảo Đề án đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, bản chất, đặc trưng cơ bản, bao trùm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào một số vấn đề lớn gồm: ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tại hội nghị này, đã nghe 15 ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ của các lãnh đạo đại diện Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy; tập trung vào các nội dung trọng tâm như ông Phan Đình Trạc đã phát biểu gợi ý thảo luận.
Nội dung đã bao quát được đầy đủ các vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như: Về xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường dân chủ XHCN; kiểm soát quyền lực Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ba khâu đột phá chiến lược trong dự thảo Đề án đã xác định đúng trọng tâm các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra khá cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 15 vấn đề được đưa ra thảo luận thực sự là những vấn đề mới, cần tập trung làm rõ để có biện pháp tháo gỡ.
Nhiều ý kiến góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Đề án, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị này, nhất là các lãnh đạo Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu Đề án, phổ biến, quán triệt tinh thần trên trong cấp ủy, tổ chức Đảng, trong cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức về chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước và tầm quan trọng của Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.