Cần những 'con đường cao tốc trong tư duy chính sách'
Nhiều ĐB cho rằng đầu tư đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của khu vực và cả nước.
Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đường vành đai bộ thuộc vùng Thủ đô Hà Nội vào vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt của cả nước. Nên việc đầu tư 2 dự án này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025.
Theo ông Hoà, 2 dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.
Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường Vành đai 3, ông Hòa đề nghị đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước.
Ông Hoà cũng cho rằng, Chính phủ nên giao cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi.
Theo đó, có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Long An), việc đầu tư đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của khu vực và cả nước.
Dự án này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội đô TP Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Hải cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định. Có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và cho thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp nhằm giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải nên rất cần những “con đường cao tốc trong tư duy chính sách” và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Do đó, trong quá trình xây dựng các tuyến đường này cần sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị, tư duy mới của sự đột phá phát triển, bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.