Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Cần tháo điểm nghẽn, lực cản

H.Hương-M.Sang 11/06/2022 07:17

Trong số các điểm nghẽn và lực cản khiến quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước bị chậm và trễ, thậm chí có nguy cơ đi vào ngõ cụt thì đất đai và định giá doanh nghiệp được coi là lực cản lớn nhất...

Một trong những trở ngại lớn nhất làm chậm tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chính là khâu định giá tài sản. Ảnh: Quang Vinh

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng chia sẻ: Thất thoát trong cổ phần hoá (CPH), thoái vốn doanh nghiệp (DN) vừa qua chủ yếu từ đất, điển hình như vụ việc tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Tân Thuận..., cần xử lý lỗ hổng để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hoá DN.

Nguy cơ thất thoát

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích, theo quy định hiện nay, việc chuyển mục đích sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phê duyệt. Nên khi thuê đất, DN sẽ nộp tiền một lần. Đến khi chuyển sang công ty cổ phần, DN lại xin UBND tỉnh, thành phố phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lần nữa. Khi đó giá đất được tính lại, nhưng do không sát giá thị trường nên gây thất thoát ở khâu chuyển mục đích sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân. Ngoài ra, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản DN gắn liền với đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị DN, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị DN.

Quá trình CPH DN nhà nước đã được đẩy mạnh trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Cùng với quá trình này là việc thoái vốn nhà nước tại DN theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP được thực hiện. Tuy nhiên, nhìn chung quá trình CPH chậm. Năm 2021, chỉ 18 DN được thoái vốn, CPH được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, có 185 DN CPH. Thời gian hoàn thành CPH các DN kéo dài (bình quân 2 năm), cá biệt có những DN có thời gian cổ phần mất hơn 4 năm. Phần lớn các DN đều có thời gian CPH vượt quá 12 tháng theo quy định của Chính phủ tính từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm bán cổ phần.

Một trong các trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc CPH và thoái vốn cũng đã được gọi tên rất nhiều lần, đó là định giá tài sản, đặc biệt là giá trị của bất động sản gắn liền với DN. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình CPH, thoái vốn có thể kéo dài.

Khó xác định giá trị doanh nghiệp

Dưới góc độ DN triển khai CPH, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, giai đoạn từ năm 2016-2020, Tổng Công ty phát điện 2,3 (EVNGENCO 2,3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam CPH thành công trong khi EVNGENCO 1 do không đủ thời gian nên phải xin chuyển CPH trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nam đã thẳng thắn chỉ ra khó khăn khi CPH. Đó là do cơ chế, chính sách ban hành không ổn định dài hạn. Khi CPH, EVNGENCO 3 chịu ảnh hưởng bởi 3 quy định, gồm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DN nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DN nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126. Tuy nhiên, khi các nghị định ban hành, ít đề cập đến điều kiện chuyển tiếp, vì vậy, khi Nghị định số 126 có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 59, nên tập đoàn điện lực phải làm lại từ đầu.

Bên cạnh đó việc xác định giá trị DN cũng rất khó. Khi đưa đất đai vào để xác định giá trị DN, yêu cầu phải tính giá thị trường nhưng giá thị trường biến đổi liên tục nên rất khó. Phương pháp xác định giá trị DN khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác nhau.

Tiếp đến, DN lo sợ nhất là định giá giá trị của DN để thoái vốn, trong đó chính là vấn đề đất đai. “Tôi cho rằng, điều cần tháo gỡ nhất để đẩy nhanh tiến trình CPH, thoái vốn chính là gỡ khó về chính sách, để DN làm rõ, làm đúng và không sợ sai” - đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói.

Cũng theo ông Nam, cơ chế, chính sách cần có tính dài hạn và áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Đồng thời, quy định cần có tính chuyển tiếp, nếu không DN sẽ phải làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, phải phân loại các loại hình, quy mô DN phù hợp. Đất đai nên loại ra khỏi khi xác định giá trị DN do đem lại nhiều rủi ro, khiến DN dễ vướng vào sai phạm.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh, việc tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị DN không chỉ vì câu chuyện lợi ích mà còn giảm số vụ vi phạm trong CPH. “Tôi cảm thấy, chúng ta không bán DN mà đang bán đất, rất nhiều sai phạm hiện nay đều liên quan đến chuyện mua bán đất đội lốt bán DN”- ông Ánh nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cả về lý thuyết cũng như thực tế, rất khó để xác định giá trị của DN một cách chính xác, bởi các yếu tố làm cơ sở cho việc định giá như lãi suất, triển vọng kinh doanh và lợi nhuận của DN… luôn biến động theo thời gian và phải ước tính, dự báo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội".

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cho rằng chính vì khó xác định chính xác giá trị DN cũng như giá bán vốn của nhà nước, các cấp quản lý luôn thận trọng trong việc phê duyệt các phương án CPH, do lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu kết quả CPH không thành công như kỳ vọng. “Nỗi lo trách nhiệm càng được nhân lên khi các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến CPH còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Điển hình là các cơ chế chính sách trong việc định giá các tài sản như đất đai, thương hiệu”- ông Độ nói.

Còn theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thì cần tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về CPH DN, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ CPH. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các DN khi chuyển sang CPH thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH. Trường hợp DN không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN của Trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương nhằm bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện CPH.

ÔNG LÊ MẠNH HÙNG - CỤC TRƯỞNG CỤC PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP (BỘ KẾ HOẠCH-ĐẨU TƯ):

Cần xây dựng cơ chế riêng khi bán cổ phần lần đầu

Cần xây dựng cơ chế riêng khi bán cổ phần lần đầu (IPO) hoặc thoái vốn đối với các DN quy mô lớn (ví dụ có vốn nhà nước trên sổ sách kế toán đạt mức trên 1.800 tỷ đồng như: Tổng Công ty MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank),... để đạt được mục tiêu hiệu quả và thu hồi cao nhất vốn đầu tư của Nhà nước. Trong đó, cần lựa chọn phương pháp xác định giá trị cho phù hợp (như phương pháp dựng sổ, tài sản, dòng tiền chiết khấu...), nghiên cứu lựa chọn các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia xác định giá trị DN, tổ chức các hội nghị ở trong và ngoài nước để thu hút các nhà đầu tư chiến lược cho DN, xây dựng tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính, kỹ thuật, cam kết gắn bó với DN để giữ được thương hiệu, bản sắc của DN.

CHUYÊN GIA KINH TẾ, TS NGUYỄN MINH PHONG:

Ngăn chặn việc chuyển sở hữu, “tư nhân hoá ngầm” đất công

Đất đai trong cổ phần hoá DN nhà nước không chỉ bị định giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hoá ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. UBND tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến thường trực HĐND và không báo cáo HĐND tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.

H.Hương-M.Sang