2 vướng mắc khi cổ phần hóa
“Chúng ta có kiểm tra giám sát, có đánh giá, có chỉ ra chỗ này chỗ kia cổ phần hóa (CPH) chậm, nhưng sau đó xử lý như thế nào, kiểm điểm trách nhiệm ra sao thì còn thiếu chế tài, dẫn đến tính thực thi pháp luật, tuân thủ mệnh lệnh cấp trên chưa cao”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận xét khi trao đổi về vấn đề cổ CPH, thoái vốn.
PV: Ông có thể đánh giá về kết quả CPH, thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua?
Ông Đặng Quyết Tiến: Có thể nói vấn đề thoái vốn, CPH trong thời gian qua đang chững lại và chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 chúng ta chỉ đạt 30% kế hoạch CPH đề ra.
Về nguyên nhân, khách quan là do nền kinh tế của chúng ta có những biến động trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có những biến động với cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dịch Covid-19 diễn ra từ cuối 2019 đến nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của CPH, thoái vốn. Nguyên nhân thứ nhất là do nhận thức. Trong nhận thức vẫn còn tư tưởng ngại CPH, không muốn CPH. Bên cạnh đó, có những phát sinh trong CPH, những vướng mắc xảy ra còn sự tranh luận khác nhau và vẫn chưa thống nhất trong vấn đề đưa vào thể chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Trong tổ chức thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty cũng còn vướng một số điểm. Việc xây dựng danh mục đưa vào CPH chưa sát, dẫn đến CPH DN ngoài danh mục thực hiện được nhiều hơn trong danh mục. Chưa kể DN còn lúng túng trong vấn đề chuẩn bị CPH, đặc biệt là khi áp dụng Luật Quản lý tài sản công, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, đến khi CPH DN mới vội vàng sắp xếp, trong khi việc sắp xếp lại nhà đất không phải chỉ DN CPH mà bất kỳ DN nào cũng phải sắp xếp. Chính vì sắp xếp chậm nên còn lúng túng, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị CPH, dẫn đến nhiều DN sau 2-3 năm, thậm chí 4 năm vẫn chưa sắp xếp xong.
Nhiều quan điểm khác nhau về nhận thức trong quá trình CPH là nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Một trong những nguyên nhân dẫn tới CPH chậm do nhận thức còn nhiều khác nhau về các vấn đề như: xác định giá trị lợi thế, giá trị đất đai, giá trị lịch sử văn hóa... Bên cạnh đó, vấn đề xử lý những tồn tại trong quá trình sắp xếp đất đai còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng lại chậm được các cơ quan chức năng tháo gỡ, các thể chế chậm được ban hành. Rõ ràng, đây là vấn đề phải tuân thủ pháp luật, nhưng hệ thống thể chế chậm được ban hành thì DN thực hiện gặp vướng mắc cũng sẽ bị chậm. Đây là những bài học rút ra trong giai đoạn vừa qua.
Vậy thì qua thực tế CPH cũng như qua các kiến nghị của các chuyên gia, DN, cơ quan chức năng, theo ông đâu là những giải pháp cơ bản để thúc đẩy CPH DN trong giai đoạn tới?
- Để thúc đẩy CPH, thoái vốn, chúng tôi cho rằng trước hết cần phải xử lý sắp xếp nhà đất như thế nào để đảm bảo thúc đẩy sản xuất kinh doanh chính, thay vì sau CPH DN lại đi vào kinh doanh bất động sản, không đúng với mục tiêu CPH. Sắp xếp đất đai để tiết kiệm nguồn lực bằng cách thu hồi lại các nguồn lực để giải phóng nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế khác. Đây là mục tiêu đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ. Đồng thời, rà soát lại khâu chuẩn bị CPH, khâu xác định giá trị DN, xem còn vấn đề gì bất cập, chưa chính xác, chưa sát thực tế, sau đó hoàn thiện thể chế theo hướng theo cơ chế thị trường, công khai minh bạch, tôn trọng việc thẩm định giá của các cơ quan tư vấn thẩm định giá, như vậy để tránh được sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào vấn đề định giá mà không theo cơ chế thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng sắp xếp đất đai là vướng mắc lớn nhất trong CPH. Vậy theo ông, có nên tách việc này ra khỏi quá trình CPH hay không? Về xác định giá trị DN, cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xác định?
- Đây là hai vướng mắc lớn nhất, cũng là hai điểm nhấn làm cản trở quá trình CPH thời gian qua. Về định hướng tách giá trị đất ra khỏi phương án tính giá trị CPH thì phải rà soát, tính toán kỹ để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát trong CPH, phải đảm bảo đất đai được quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng. Về định giá, phải làm sao tính đúng tính đủ, nhưng phù hợp với thực tiễn.
Để đưa ra quy định cụ thể, cơ chế chính sách rõ ràng, Bộ Tài chính sẽ cần tiếp tục phải lắng nghe nhiều hơn, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, các Tập đoàn, Tổng công ty, thì cần lắng nghe ý kiến của các thành phần kinh tế khác, ví dụ như các nhà đầu tư, các công ty tư vấn... Khi hội tụ đủ ý kiến của các thành phần liên quan, nhiều chiều, chiếu theo các quy định của pháp luật, định hướng của Đảng thì chúng ta mới ban hành được cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho DN. Còn trước mắt, trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế cần phải có những hành động tháo gỡ trong khuôn khổ pháp luật cho phép để thúc đẩy CPH, thoái vốn ở mức hợp lý.
Trân trọng cảm ơn ông!