Hòa Bình: Nhiều dạng vi phạm trong hoạt động tư pháp bị kiến nghị

Trần Hải 11/06/2022 07:33

Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm và kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh, phòng ngừa, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp… Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp của tỉnh Hòa Bình đã phát hiện, ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị và đều được các cơ quan tư pháp tiếp thu thực hiện.

Thông tin từ Viện KSND tỉnh Hòa Bình cho biết, các vi phạm về phân loại giải quyết nguồn tin về tội phạm; chậm tiến hành xác minh, giải quyết tin báo dẫn đến phải gia hạn, kéo dài thời hạn giải quyết tin báo; vi phạm về thu thập chứng cứ, CQĐT gửi chưa kịp thời, đầy đủ các quyết định về trưng cầu giám định, định giá tài sản cho VKS, việc chuyển biên bản, tài liệu trong quá trình giải quyết còn chưa kịp thời; vi phạm về giải quyết tin báo tạm đình chỉ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01 về phối hợp giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ; vi phạm về việc tổ chức khám nghiệm hiện trường theo Thông tư 63 của Bộ Công an trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn diễn ra. Vì vậy, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành các kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý là đối với hoạt động tạm giữ, tạm giam thì công tác quản lý giam giữ chưa được chặt chẽ, vẫn còn tình trạng bị can ra khỏi nhà tạm giữ không có lệnh trích xuất. Việc khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Chưa có các thiết bị kiểm tra quà thăm gặp, chưa có hệ thống camera giám sát theo dõi buồng giam giữ.

Cơ sở vật chất tại nhà tạm giữ đã xuống cấp, buồng phòng chật hẹp, giam quá số người trong một buồng tạm giữ, buồng giam kỷ luật cũng chưa được xây dựng để phục vụ công tác chuyên môn. Hồ sơ, sổ sách chưa khoa học, chưa đầy đủ theo quy định, chưa cập nhật đầy đủ cột mục trong sổ theo dõi tạm giữ, tạm giam.

Hồ sơ tạm giữ còn thiếu tài liệu theo quy định của pháp luật, thiếu hồ sơ phạm nhân đang chấp hành án tại nhà tạm giữ, phạm nhân chấp hành án tại nhà tạm giữ chưa có trang phục theo đúng quy định. Những vấn đề này cũng đã được Viện kiểm sát kiến nghị chấn chỉnh.

Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra với một số vấn đề còn tồn tại như: Việc chuyển biên bản, tài liệu trong quá trình giải quyết còn chưa kịp thời theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS; vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 205 BLTTHS về việc gửi Quyết định trưng cầu giám định pháp y tử thi cho Viện kiểm sát; vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 221 BLTTHS về việc gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát; vi phạm trong hoạt động định giá tài sản; vi phạm về việc lập biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can theo quy định, trình tự thủ tục ban hành còn có việc tẩy xóa, sửa chữa lời khai nhưng không ký tên xác nhận.

Ngay cả hoạt động xét xử của ngành Tòa án cũng còn những vi phạm về việc giao bản án cho Viện kiểm sát; vi phạm trong áp dụng pháp luật: Áp dụng hình phạt đối với bị cáo chưa tương xứng với mức độ, hậu quả, tính chất hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; áp dụng pháp luật để tính án phí chưa đúng quy định pháp luật; quyết định bị cáo được hưởng án treo không đúng quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP; vi phạm thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên: Khi xét xử Tòa án không đưa người đại diện của bị cáo tham gia xét xử; vi phạm quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 thẩm phán còn mặc áo choàng xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên.

Hoạt động thi hành án hình sự còn tồn tại các vi phạm quy định về việc triệu tập người chấp hành án để làm thủ tục thi hành án; chậm tổ chức thi hành án, chậm tiến hành xác minh căn cứ hoãn chấp hành án phạt tù; chưa đảm bảo thời gian nhận xét quá trình chấp hành án 1 lần/tháng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; bản tự nhận xét việc chấp hành án chưa đầy đủ nội dung; hồ sơ thi hành án chưa thống kê bút lục đầy đủ; TAND chậm ban hành các quyết định liên quan đến hoãn chấp hành hình phạt tù; người trực tiếp giám sát giáo dục không nhận xét việc chấp hành pháp luật của bị án; chưa thực hiện đúng nhiệm vụ của UBND xã trong việc quản lý bị án tại địa phương theo khoản 1 Điều 63, Điều 74 Luật thi hành án hình sự. Sáu tháng đầu năm 2022 đã có 32 kiến nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án, UBND các xã, phường khắc phục vi phạm được Viện kiểm sát hai cấp ban hành.

Hoạt động thi hành án dân sự thì còn những vi phạm về việc xác minh thi hành án như chậm tổ chức xác minh, biên bản xác minh không có xác nhận của chính quyền địa phương; hồ sơ thi hành án dân sự thu thập, lưu trữ chưa đầy đủ thủ tục theo quy định; sổ theo dõi thi hành án chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư 01/2016/BTP ngày 01/02/2016; chậm ban hành quyết định thi hành án; chưa thông báo, niêm yết kết quả xác minh và ước lượng giá trị tài sản xác minh; chậm nộp tiền đã thu tạm ứng án phí vào tài khoản tạm gửi. Những vi phạm này cũng đã được Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự khắc phục vi phạm.

Với những kiến nghị bằng văn bản đối với các cơ quan tư pháp, Viện KSND tỉnh Hòa Bình đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm có căn cứ, đúng quy định pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trần Hải