Cần cơ chế đặc biệt để Khánh Hòa vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh xã hội

Mai Loan 11/06/2022 07:26

Chiều 10/6, phát biểu tại hội trường về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa, ĐB tỉnh Kontum Tô Văn Tám đã bày tỏ đồng tình cao về việc ban hành một Nghị quyết như thế.

Nhắc đến 3 cơ sở để ban hành nghị quyết, ĐB Tám cho rằng, về cơ sở chính trị, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, trong đó có quan điểm rất quan trọng, là xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư tài chính, phân cấp quản lý, đảm bảo tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp với vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc.

Nói về cơ sở pháp lý của vấn đề, ông Tám cho rằng, quyền ban hành một Nghị quyết như vậy, được quy định trong Luật thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Đáng chú ý hơn cả là thực tiễn phát triển của Khánh Hòa. ĐB nêu 3 điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nằm giữa tuyến đường hàng hải và hàng không nối hai trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đó là Hồng Kông và Singapore. Đối với trong nước thì là tâm điểm tiếp nối khu vực Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đặc biệt là huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa và cảng Cam Ranh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ hai, Khánh Hòa có nhiều lợi thế về tiềm năng phát triển, nhưng với cơ chế, chính sách hiện tại chưa phát huy, khai thác được lợi thế để tạo ra sự đột phá cho sự phát triển, đặc biệt là trong điều kiện thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã xác định.

Thứ ba là thực tiễn cho thấy các tỉnh, thành phố có nghị quyết của Bộ Chính trị và được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã bước đầu phát huy hiệu quả.

“Với các cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn như trên, việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết cho phép Khánh Hòa thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù là đúng và cần thiết”, ĐB nhận định.

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu tại hội trường ngày 10/. Ảnh: Quang Vinh.

Nói thêm, ông Tám cho rằng, trong các cơ chế, chính sách đặc thù mà dự thảo nghị quyết áp dụng cho Khánh Hòa có nhiều cơ chế, chính sách tương đồng đã được quy định áp dụng cho các tỉnh, thành phố trong nước như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế; bởi vậy, Quốc hội cũng cần xem xét áp dụng cho Khánh Hòa. Còn 4 chính sách chưa có cơ chế tương đồng mà gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa, đó là cơ chế, chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại Khu vực kinh tế Vân Phong; cơ chế, chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý. Qua các tài liệu và tờ trình của Chính phủ cho thấy các cơ chế, chính sách này đều có cơ sở thể hiện- ĐB nói.

Đối với cơ chế, chính sách cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92/2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó Khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều đã có cơ chế, chính sách đặc thù, bởi vậy cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.

Về chính sách nuôi trồng thủy sản trên biển, theo ông Tám, Khánh Hòa là một trong 3 tỉnh, trong đó có Kiên Giang, Quảng Ninh, có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển ở Việt Nam và nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng biển đã và đang được phát triển tại đây. Tuy nhiên, đang chủ yếu là nuôi trồng gần bờ, chưa ra xa ngoài khu vực 3 hải lý, xu hướng của thế giới đang là chuyển từ nuôi trồng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi trồng biển công nghiệp quy mô lớn với công nghệ hiện đại, chuyển từ vùng nước ven bờ ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra đại dương. Đặc biệt, biển Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Ban hành chính sách này giúp người dân chuyển đổi phương thức phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản và nuôi biển, đồng thời kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo khi nuôi xa bờ. Huyện đảo Trường Sa góp phần thực hiện quan điểm Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Với ý nghĩa đặc biệt của huyện đảo Trường Sa thì việc cho phép có một quỹ phát triển về nghề cá là cần thiết nhằm hỗ trợ dân sự, du lịch, phát triển ngư nghiệp, xây dựng huyện đảo Trường Sa về kinh tế và khu vực phòng thủ trên biển.

Đối với cơ chế, chính sách, dự án tách bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Phạm vi cơ chế này chỉ áp dụng cho các dự án trong nhóm B trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và phải được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Mặt khác, việc cho phép áp dụng cơ chế, chính sách này nhằm hiện thực hóa tính khả thi của ý tưởng trong đề án tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và một số cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Chính phủ. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư tài chính, trong đó có tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và phân cấp quản lý cho tỉnh Khánh Hòa.

Về chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm. Thực tiễn cho thấy việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội bao giờ cũng chậm và khó khăn, phức tạp. Do vậy việc ban hành chính sách này nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các các cơ chế, chính sách khác,phát triển tỉnh Khánh Hòa trong điều kiện để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030 như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị xác định.

Từ tất cả những cơ sở và nhận thức trên, ĐB Tô Văn Tám một lần nữa đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Mai Loan