Ba dự án cao tốc giúp giải quyết nhiều điểm nghẽn giao thông
Chiều 10/6, thảo luận tại hội trường về 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu, nhiều ĐB bày tỏ đồng tình với chủ trương đầu tư.
Đây là các tuyến đường đã được đưa vào quy hoạch trong hệ thống giao thông quốc gia và việc đầu tư 3 tuyến đường ở giai đoạn này là cần thiết và phù hợp, nhằm giải quyết điểm nghẽn về giao thông, đồng thời kết nối giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm ủng hộ.
Phát biểu thêm, ĐB đánh giá, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nếu được đầu tư sẽ giúp kết nối giao thông với các tuyến đường đã được đầu tư ở khu vực này, làm cho giao thông nội vùng thông suốt hơn do hiện nay thiếu các tuyến kết nối ngang do hạ tầng giao thông hạn chế, chưa kết nối tốt nên giá nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất cao, chi phí đầu vào cao, chi phí vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch cũng cao nên nông sản và hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long giảm lợi thế cạnh tranh. Việc đi lại, sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn và tốn kém, đồng thời điểm nghẽn này sẽ khó thu hút nhà đầu tư vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với khu vực Tây Nguyên, bà Tuyết cho rằng, đây là khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh, giàu tiềm năng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về giao thương trung chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, nhưng hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn. “Nếu tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư sẽ giúp kết nối vùng Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ góp phần tạo tiền đề để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, kết nối thị trường, tạo thêm động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của Tây Nguyên, phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời tạo thêm tuyến giao thương cho hàng hóa từ các cụm cảng, từ các khu kinh tế của Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ kết nối đa dạng sản phẩm du lịch của khu vực này”, bà Tuyết nói.
Còn đối với tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, đây là yêu cầu cấp bách đối với vùng Đông Nam Bộ. Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, “qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về chi phí logistics. Doanh nghiệp cho rằng hệ thống đường giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối, thường xuyên quá tải, kẹt xe làm cho chi phí logistics tăng cao, làm giảm cạnh tranh đối với hàng hóa được sản xuất trong vùng”.
Thực tế, tuyến Quốc lộ 51 nối liền Biên Hòa và Vũng Tàu luôn trong tình trạng quá tải, thường xuyên kẹt xe, đặc biệt là cuối tuần và các dịp lễ tết. Nếu giải quyết được điểm nghẽn này sẽ giúp giải phóng nhanh hàng hóa từ các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh đến với cảng Cái Mép và ngược lại giải phóng nhanh hàng hóa cập cảng. Đồng thời, chuẩn bị cho sự kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cảng hàng không quốc tế Long Thành, cải thiện năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ. Nên, nếu 3 dự án này được triển khai sẽ phát huy hiệu quả ngay sau khi hoàn thành.
ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ đồng tình sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho 3 dự án này trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn được bố trí cho chương trình phục hồi kinh tế.