Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của báo chí
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Đầu tư cho hạ tầng, bài toán khó
Trong bối cảnh số hóa toàn cầu như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, báo chí phải lên không gian số là điều bắt buộc và không thể đảo ngược. Cách đọc báo thuần túy như trước đây đang ngày một hạn chế và ở hiện tại cũng như tương lai độc giả sẽ tiếp cận báo chí thông qua các thuật toán cũng như tin tức được gợi ý.
Bởi vậy, các cơ quan báo chí bắt buộc phải chuyển đổi số, thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Thông qua các giải pháp công nghệ nhằm thực hiện hiệu quả mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Nếu làm được những điều này chúng ta sẽ phát triển được nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ là yếu tố chính quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó, chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, trong bối cảnh các cơ quan báo chí cạnh tranh nhau gay gắt như hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.
Việc đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số luôn là bài toán khó cho các cơ quan báo chí bởi kinh phí lớn, do đó, việc sử dụng hạ tầng của bên thứ 3 sẽ là giải pháp phù hợp. Bộ TT-TT cùng một số công ty công nghệ hàng đầu trong nước đã có kế hoạch hợp tác với các cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí có thể sử dụng nền tảng của những đơn vị này để chuyển đối số cũng như hợp tác trong các mô hình phát sinh doanh thu mới.
Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata...
Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing...
Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự.
Ưu tiên chuyển đổi số báo chí
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân bày tỏ: Chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hoá trong tòa soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công hơn; đồng thời phải đào tạo lực lượng cán bộ nhân viên am hiểu sử dụng thành thạo công nghệ digtal vì nếu mua về không sử dụng thì không giá trị. Chuyển đổi số tạo môi trường cán bộ nhân viên phát triển, sáng tạo thực hiện chiến lược mà tòa soạn mong muốn”, ông Lê Quốc Minh nhận định, đồng thời cho rằng: Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện chuyển đổi số theo năng lực của mình. Hiện các cơ quan báo chí có thể hợp tác với nhau để giảm chi phí, thu hút được lớn bạn đọc.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông kiến nghị: Đề án chuyển đổi số Quốc gia thì cơ quan báo chí truyền thông cần được ưu tiên chuyển đổi số trước bởi đây là đơn vị truyền tải thông tin. Các bộ luật cần sửa đổi mở rộng nội hàm như Luật Báo chí, Luật Viễn thông, việc bảo vệ thông tin cá nhân cần được luật hoá…
Bên cạnh đó, Nhà nước có sự đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực để luồng thông tin chính thống chiếm lĩnh được thông tin với các mạng xã hội. Đồng thời, Bộ TT-TT sớm có bộ chỉ số sáng tạo trong báo chí để có thể đo đếm được công cuộc chuyển đổi số.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.