‘Giải cứu’ nông sản khi nào tới hồi kết?

H.NHI - H.DƯƠNG 12/06/2022 07:47

Nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, thế nhưng thu nhập của người nông dân vẫn hạn chế, điệp khúc “giải cứu”, “được mùa rớt giá”, ùn ứ, tắc nghẽn nông sản vẫn khó tới hồi kết. Trong phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thừa nhận một số khuyến điểm từ công tác điều hành, chuẩn hóa nông sản… Dù vậy, giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, muốn thị trường nông sản ổn định, bền vững, chúng ta cần có một chính sách bài bản và có tính hệ thống.

Vải thiều Hải Dương, Bắc Giang được mùa, được giá.

Nơi rớt giá, chỗ tăng mạnh

Thời điểm này, người nông dân miền Tây đang đứng ngồi không yên vì nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, khiến giá các loại nông sản giảm mạnh. Cụ thể, giá các loại trái cây giảm từ 5.000-15.000 đồng/kg so với đầu vụ. Chôm chôm Thái có giá 30.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá lên đến 55.000 đồng/kg. Chôm chôm java cũng chỉ còn 15.000 đồng/kg.

Những loại trái cây được mệnh danh là “vua”, “nữ hoàng” của nông sản như sầu riêng và măng cụt cũng liên tục sụt giảm. Vào đầu vụ, sầu riêng Ri6 có giá lên đến 80.000 đồng/kg, nay chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg. Thậm chí, một số nhà vườn, tiểu thương bán sầu riêng Ri6 bên lề đường ở TP Cần Thơ chỉ bán sầu riêng Ri 6 với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Tương tự, giá bán lẻ măng cụt cũng đa dạng, dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg. Trong khi cách đây nửa tháng, loại trái cây này có giá lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Với tình trạng rớt giá, nhiều nhà vườn ở TP Cần Thơ tỏ ra lo lắng, nhiều chủ vườn tự tìm giải pháp để thoát khỏi tình trạng được mùa rớt giá như chuyển hướng làm vườn sang kết hợp tham quan du lịch gắn với tiêu thụ trực tiếp sầu riêng tại vườn, hoặc bán hàng online để đảm bảo lợi nhuận, dù vậy giải pháp này không hề dễ dàng.

Trước đó, khoảng cuối tháng 4, nhiều chủ vựa khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp đã không còn thu mua mít Thái xuất khẩu khiến giá mít rơi tự do chỉ còn 3.000 đồng/kg. Giá mít bán lẻ ở TPHCM cũng còn khoảng 8.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá cam sành miền Tây cũng bất ngờ rớt giá mạnh, giảm gần 10.000 đồng/kg.

Còn theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, hiện nay có trên 12.000 ha diện tích trồng cây ăn trái với nhiều loại trái cây, trong đó có trái cây hè cho sản lượng lớn, trung bình 80.000 tấn mỗi năm. Dịch bệnh Covid-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, người dân thắt chặt chi tiêu khiến việc tiêu thụ giảm.

Dù vậy, trái với cảnh được mùa rớt giá của trái cây miền Tây Nam bộ, tại phía Bắc, 2 vựa vải lớn là Bắc Giang và Hải Dương lại vừa được mùa, vừa được giá. Thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công thương Bắc Giang), vải thiều trà sớm được các doanh nghiệp ký kết thu mua với nhà vườn ở mức giá 40.000 đồng/kg để xuất sang Nhật Bản, Úc, Mỹ và một số nước EU.

Ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, vải thiều năm nay được mùa, sản lượng toàn tỉnh ước đạt 60.000 tấn, tăng khoảng 10% tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trà vải sớm bước vào thời điểm thu hoạch rộ, vải u hồng có giá 40.000 đồng/kg. Riêng vải u trứng cho thu hoạch sớm nhất, giá có lúc lên tới 90.000 đồng/kg mà nhà vườn không có đủ hàng bán.

Hải Dương dự kiến xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đi các thị trường Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan,... Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản xuất khẩu gần 1.000 tấn, các thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc khoảng 20.000 tấn.

Trái cây bước vào vụ thu hoạch rộ ở miền Tây Nam bộ nhưng tiêu thụ khó khăn do nguồn cung lớn hơn cầu.

Đổi mới trong điều hành, minh bạch thông tin

Từ thực tế trên cho thấy, nông sản Việt vẫn trong tình trạng bấp bênh, các địa phương mạnh ai nấy làm. Theo giới chuyên gia nông nghiệp, muốn thị trường nông sản ổn định, bền vững, chúng ta cần có một chính sách bài bản và có tính hệ thống.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, những câu hỏi về “giải cứu”, “được mùa rớt giá”, ùn ứ, tắc nghẽn nông sản tại cửa khẩu lại tiếp tục được chuyển tới người đứng đầu Bộ NNPTNT. Vấn đề đến bao giờ tình trạng được mùa rớt giá tới hồi kết được các đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu ra.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề này hiện vẫn là điểm nghẽn. Để khống chế quy luật “được mùa rớt giá”, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Để chấm dứt câu chuyện được mùa rớt giá thì phải đổi mới, tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hóa, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

“Bộ NNPTNT đã nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và thông tin thêm, hiện Bộ NNPTNT đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào.

Với câu hỏi đến bao giờ giải quyết được tình trạng được mùa rớt giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là câu hỏi ông rất sợ và rất khó trả lời. Dẫn chứng câu chuyện tiêu thụ vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, ông Lê Minh Hoan đề cập tới vai trò của địa phương. Cụ thể, việc giải quyết đầu ra cho nông sản, xây dựng thương hiệu cho nông sản, rất cần sự chung sức, quyết liệt của lãnh đạo các địa phương.

Về việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp để giúp người nông dân cần nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản, tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương.

Làm gì để ổn định thị trường trái cây?

Ở góc nhìn chuyên gia, TS Đặng Kim Sơn - Chuyên gia chính sách nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp bày tỏ: Để thị trường trái cây ổn định cần có một kế hoạch căn cơ và vững bền.

“Về thị trường, chúng ta không thể tập trung vào một thị trường. Câu chuyện xe container ùn tắc, nằm dài ở cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm nay, chứng tỏ, chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, các hiệp định thương mại mà chúng ta ký kết với đối tác quốc tế phải được đa dạng hóa. Đồng thời, chúng ta phải biết được nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ chuẩn bị được hàng ra sao, đóng gói thế nào hay việc đảm bảo kỹ thuật ngay từ đầu thì khi đưa hàng đi xuất khẩu, thông quan sẽ nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế việc ách tắc”, TS Đặng Kim Sơn phân tích.

Đáng lưu ý, sau nhiều năm cố gắng, người nông dân vẫn buôn bán chủ yếu thông qua trung gian, bán qua đại lý nên bị cắt đứt với thị trường về thông tin, tiêu chuẩn, về giá cả. Đã đến lúc, chúng ta phải buôn bán từ đầu đến cuối trực tiếp qua hình thức thương mại điện tử, liên kết, liên doanh. Muốn vậy phải phát triển mạnh các hợp tác xã để thay thế hệ thống thương lái và đại lý.

“Một yếu tố không kém phần quan trọng để chúng ta vươn tới các thị trường cao cấp, thì việc chỉ ký kết các hiệp định thương mại không là chưa đủ. Đã đến lúc, chúng ta phải xây dựng các vùng chuyên canh lớn cho các mặt hàng chiến lược như cà phê, lúa gạo, thủy sản, rau quả. Sản xuất nhắm vào thị trường nào thì ở ngay vùng chuyên canh ấy phải bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng đúng với thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường ấy kèm theo truy xuất nguồn gốc, hàng hóa phải có mã vạch mã số. Để khi bán, chúng ta biết được hàng đi từ đâu, ai sản xuất, ai chế biến, đã đến thị trường nào”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn Kết nối nông sản 970, do Bộ NNPTNT tổ chức trực tuyến ngày 8/6, với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, một vấn đề cấp thiết được đặt ra là cần đẩy mạnh khâu chế biến.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, thị trường lại luôn biến động nên không thể chủ quan vì giá bán nông sản cao tại Mỹ, Nhật Bản...

Do đó, cần phải tăng cường các liên kết sản xuất, xác định rõ cơ cấu giá thành sản xuất nông sản, xây dựng các trung tâm logistics, liên kết các lực lượng trong hợp tác xã để giảm chi phí vật tư đầu vào...

Dẫn chứng từ câu chuyện ở Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh dây, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, ông Toản cho rằng cùng với việc chuẩn hóa nông sản, cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh nhằm giúp bà con nông dân yên tâm canh tác .

Mặt khác, được coi là “chìa khoá” để thị trường nông sản phát triển bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và nhiều địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp, quản trị nông thôn. Tuy nhiên, nhìn ở bình diện chung về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang khá chậm. Một nền sản xuất nông nghiệp hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng nhưng nhược điểm cố hữu quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Để thực hiện được chuyển đổi số cần có giải pháp cụ thể chứ không thể là một phong trào.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT): Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trình độ công nghệ của nước ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa.

Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hàng triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tiềm năng thị trường nội địa

Ngay từ những báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2016, nông nghiệp Việt Nam cần giảm chi phí tăng giá trị, khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng này và nhấn mạnh cần chú trọng vào thị trường nội địa, vì tính ra từ trước đến nay thị trường nội địa vẫn là nơi tiêu thụ 70% nông sản. Người ta khuyến cáo mình chú trọng thị trường nội địa nhưng hình như trong con mắt bà con nông dân của mình luôn coi thị trường nội địa là để bán những sản phẩm không thể xuất khẩu.

Theo tôi, thị trường nội địa hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng vì dân số vẫn tiếp tục tăng, sức tiêu thụ ngày càng tốt hơn, đa dạng phong phú và cũng cao cấp hơn, tại sao lại không dùng thị trường nội địa? Xuất khẩu nhiều khi chỉ để lấy danh tiếng hơn là lấy lãi lời thực sự vì đầu tư cho xuất khẩu quá tốn kém, kể cả nâng cấp chuẩn mực hàng hóa lẫn bao bì đóng gói, nhãn hiệu, đăng kí thương hiệu, vận tải, phân phối…

H.NHI - H.DƯƠNG