Người trẻ xứ sở Kim chi

BẢO THƯ 12/06/2022 11:46

Giới nghiên cứu xã hội học Hàn Quốc cho rằng đang có điều gì đó “bất thường” trong giới trẻ xứ Kim chi. Đó là trong khi nhiều thanh niên “quyết tâm” nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì quá căng thẳng; ngược lại nhiều người lại “vung tay quá trán không cần biết đến ngày mai”.

Trên đường phố thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Kim Min-jae đã từ bỏ công việc mơ ước tại một trong những công ty phát triển trò chơi điện tử lớn nhất Hàn Quốc để được thỏa ước nguyện tự do. Anh cho biết đã gạt hẳn công việc sang một bên và không còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền sau 11 năm làm chuyên viên phát triển trò chơi.

Kim cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 làm không ít người trẻ ở Hàn Quốc “ngộ” ra rằng họ đã phải sống quá khổ vì những hạn chế, công việc thì đầy áp lực, vì thế đã hình thành nên nhóm những người muốn độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.

“Chúng tôi hướng tới cuộc sống thanh đạm và tiết kiệm tối đa để có thể nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu thông thường. Rồi dành phần còn lại của cuộc đời để sống tự do tự tại bằng số tiền đã tiết kiệm được. Cũng chẳng quá nặng nề gì nếu bạn chọn lựa đó là một cách sống”- Kim nói và cho biết, để dành được một khoản, anh cùng nhóm bạn chỉ ăn cơm trong căng-tin của công ty, không mua sắm những thứ xa xỉ như quần áo hàng hiệu và cà phê đắt tiền. Số tiền chi tiêu hàng tháng của anh chỉ rơi vào khoảng 200 USD (tương đương khoảng 4,6 triệu đồng).

Cây bút chuyên về lĩnh vực tài chính của Hàn Quốc, nhà báo Shin Hee-eun cho rằng, áp lực công việc ở nhiều lĩnh vực đã “vây hãm” và lấy đi những năm tháng tuổi trẻ của không ít người, nhất là những người làm trong lĩnh vực điện tử.

“Họ ngồi trước máy tính và những công cụ hiện đại tới gần 20 giờ mỗi ngày. Nhiều người trong số họ đã sớm bị bệnh dạ dày, thận, mắt và cột sống. Vì thế cũng không nên ngạc nhiên khi một số người đã chọn cách ít tiền nhưng không bị áp lực, cho dù họ bị xã hội cho là không có chí tiến thủ” - Shin viết.

Mới đây, một cuộc khảo sát với 707 người lao động của trang web việc làm Hàn Quốc Incruit cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của những người làm trong lĩnh vực trò chơi điện tử là 2,67 triệu won (gần 50 triệu đồng) và hơn 1/4 trong số đó cho biết sẽ nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi nếu như tiết kiệm được khoảng 40% khoản thu nhập từ lương mỗi tháng.

Còn theo Lee Taek-gwang, một nhà bình luận văn hóa và là giáo sư tại Đại học Kyung Hee thì làm việc quá sức đã khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc muốn tìm kiếm tự do tài chính trước tuổi nghỉ hưu thông thường. Muốn thế thì họ phải “thắt lưng buộc bụng” trước khi có thể “nắm quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình”.

Ngược lại, một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc lại sẵn sàng dốc hầu bao chi tiêu cho hiện tại để tận hưởng niềm vui, giải tỏa stress sau đại dịch Covid-19. Từ đó xuất hiện khái niệm “shibal biyong” với nghĩa nôm na là “chi tiêu đề giải tỏa”. Tới nay, thuật ngữ “shibal biyong” đã được một số tờ báo Hàn Quốc bình chọn là “từ mới của năm”.

“Shibal biyong” chính là khoản chi tiêu dường như không cần thiết nhưng giúp người ta vượt qua một ngày tồi tệ. Ví dụ như việc bỏ ra 20 USD để đi taxi về nhà thay vì đi tàu điện ngầm sau một ngày làm việc mệt mỏi. Theo nhà phân tích Jeong Min-kim, học giả khoa học chính trị Đại học Quốc gia Seoul, “thuật ngữ trên ngụ ý rằng bạn có thể tự làm mình vui vẻ ngay lập tức khi các triển vọng trong dài hạn có vẻ ảm đạm”.

Theo khảo sát của Cơ quan Thống kê quốc gia, thì đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, các khoản tiêu dùng ngắn hạn trở thành một sự lựa chọn hợp lý để tận dụng tối đa giá trị của đồng tiền dựa trên đánh giá thực tế về tương lai.

Theo đó, 46% thanh niên Hàn Quốc tin rằng họ hoặc phải mất 20 năm dành dụm để mua một căn nhà hoặc thậm chí là không bao giờ mua được. Thực tế thì ở đại đô thị Seoul, nơi gần 50% dân số Hàn Quốc đang sinh sống, giá nhà đã ngang bằng với New York (Mỹ), dù mức thu nhập của người dân không thể sánh bằng.

Giáo sư Alex Taek-Gwang Lee (Đại học Kyung Hee, Seoul), nhận định khi tiền tiết kiệm không thể bảo đảm cho tương lai như trước đây, quan niệm tiêu xài không cần biết đến ngày mai càng được nhiều người trẻ ủng hộ.

Chính vì vậy, theo Giáo sư Lee, cả hai xu hướng “thắt lưng buộc bụng” để về hưu sớm và vung tay tiêu xài trong giới trẻ Hàn Quốc hiện nay phải được xem là vấn đề xã hội và cần có cách lý giải thực tế để tránh rơi vào cực đoan.

BẢO THƯ