Vụ sụt lún tại 'thủ phủ' khoáng sản Nghệ An: Gần 300 giếng có nước trở lại
Sau hơn 1 tuần thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp), hiện tượng cạn nước tại gần 300 giếng nước sinh hoạt của người dân, đơn vị, tổ chức... ở địa phương này đã chấm dứt.
Dừng khai thác... nước đầy giếng
Sáng 10/6, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Sau gần 10 ngày thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về việc tạm dừng hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn, chính quyền chưa ghi nhận thêm việc sụt lún, hố tử thần như thời gian trước đó.
“Đặc biệt, cùng với mưa lớn trong mấy ngày qua, việc dừng khai thác nước ngầm đã làm cho toàn bộ gần 300 giếng nước của người dân, đơn vị, tổ chức trên địa bàn có nước trở lại. Mặc dù, chưa trở về hoàn toàn như trước năm 2019, nhưng hầu hết các giếng nước đều ghi nhận có nước đạt từ 20-30%. Thậm chí, có nhiều giếng có mực nước đo được từ 6-8m” - ông Lợi cho biết thêm.
Thông tin này cũng được ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng xác nhận, đồng thời cho biết: Kể từ khi Cty CP Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn, không những các giếng nước đã bắt đầu có nước trở lại, mà tình trạng sụt lún cũng đã chấm dứt.
Cụ thể, theo ông Hóa, tính đến thời điểm này, có thêm 17 hộ trình báo nhà bị nứt nẻ, nâng tổng số nhà lên tới 232. Tuy nhiên, 17 nhà này đều đã nứt nẻ trước ngày 29/5, nhưng trình báo muộn. Về các hố sụt lún, theo ông Hóa, sáng 9/6, người dân ở bản Công có trình báo tại vườn 1 hộ dân xuất hiện thêm 1 hố. Tuy nhiên, hố này đã sụt từ trước, giờ có sụt thêm.
Cũng theo thống kê của UBND xã Châu Hồng, trong số các hộ có hố sụt lún trong nhà, sụt giếng nước đã có 5 hộ có đơn gửi UBND xã xin san lấp để đảm bảo an toàn, không để cho hố sụt rộng thêm.
Sau đó, UBND xã đã phối hợp với Công ty Tân Hoàng Khang hỗ trợ các gia đình san lấp bằng hình thức hút hết nước trong hố, giếng sau đó đổ đá xuống và bơm bê tông tươi vào lấp đầy. Ngoài ra, hiện nay đã có 10 hộ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng nhất, phải sơ tán người và tài sản, đã được chính quyền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.
Đường lò dài 1/2 km
Trước tình trạng sụt lún nghiêm trọng, cuối tháng 5 vừa qua, do bức xúc, hàng trăm người dân xã Châu Hồng đã xông vào khu vực khai thác của Cty Tân Hoàng Khang tại Thung Lùn để tìm nguyên nhân. Sau khi “mục sở thị” tại khu vực khai thác của Công ty Tân Hoàng Khang, người dân phát hiện hệ thống đường hầm dài hun hút, xe tải lớn có thể đi lại dễ dàng trong đó.
Thậm chí, hai bên đường hầm là nhiều đường ống kẹp chạy sâu vào phía trong. Qua tìm hiểu thì các đường ống này có thể là ống bơm nước, đường thoát khí, dây kỹ thuật, đường điện... Một số người dân cho rằng nguyên nhân sụt lún ngày càng nghiêm trọng chính là do hoạt động khai thác quặng dưới lòng đất gây nên đứt quãng mạch nước ngầm.
Thông tin với báo chí, ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của Công ty Tân Hoàng Khang được nộp tại Sở vào năm 2015 có bổ sung mở rộng đường hầm khai thác.
Cũng theo ông Ánh, theo hồ sơ thiết kế, tại mỏ khai thác của công ty này có cốt cao cửa lò xuyên vỉa là +300m, đường lò xuyên vỉa dài 540m. Hiện tại đường lò xuyên vỉa mới khoảng 460m.
Đồng thời, ông Ánh cho rằng, mọi hoạt động khai thác đều phải tuân theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, nếu khai thác sai thiết kế doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết, theo Quyết định phê duyệt thì mỗi ngày Công ty Tân Hoàng Khang chỉ được phép bơm hút 5,6m3 nước/h. Nhưng một số người dân địa phương cho rằng, Công ty Tân Hoàng Khang hút quá mức cho phép trên 200m3/h. Để rõ hơn thông tin này, chúng tôi có liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, nhưng chưa nhận được hồi âm.
Trước đó, Công ty Tân Hoàng Khang đã bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt gần 280 triệu đồng với 2 lỗi vi phạm, trong đó có hành vi không thực hiện đúng một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cụ thể, năm 2022, Công ty này đã xả nước thải bơm từ hầm lò vào hệ thống bể lắng tuần hoàn, sau đó bơm nước thải từ bể lắng tuần hoàn vào hang cát-tơ (xả ra môi trường).