Đối thoại với công nhân, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm
Đã có 10.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng trước ngày đối thoại trực tiếp với 4.500 công nhân lao động tại Bắc Giang và trực tuyến tại 63 điểm cầu khác trên toàn quốc vào ngày 12/6 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức. Trong đó, vấn đề nhà ở, lương, trường học cho con em nóng nhất.
Lãi suất ‘tín dụng đen’ có nơi 1.000%
Từ điểm cầu Bình Phước, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn Công ty New Apparel Far Eastern Việt Nam) cho biết bản thân là cán bộ công đoàn đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen.
Nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Do đó, chị Toan đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP của Công đoàn.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ tín dụng đen gây hệ lụy rất lớn nên cơ quan chức năng đang vào cuộc tích cực và dẹp bỏ nhiều tổ chức cá nhân, núp bóng. Tuy vậy, nhiều địa phương có nguy cơ tăng cao hình thức tín dụng này.
Ông Tú cho biết hiện cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng "mạnh dạn" cho vay và giảm thủ tục với các khoản tín dụng vài chục triệu cho sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con, ma chay, cưới xin, vay nóng vài tháng.
Thứ hai, các biện pháp công nghệ được phát triển để tiếp cận nhiều hơn đến người lao động. Tiếp, tăng cường tài chính vi mô cho đối tượng người yếu thế. Bên cạnh đó, có hai công ty tài chính của hai ngân hàng với gói hỗ trợ khoảng 20.000 tỉ cho công nhân vay với lãi suất 50% so với lãi suất thông thường.
Nói thêm về ngăn chặn "tín dụng đen", Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nhiều đối tượng tinh vi, tạo "vỏ bọc" doanh nghiệp có chức năng vay tài chính như vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, thường xuyên có thủ đoạn, dụ dỗ công nhân vay qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí là 1.000%/tháng.
Để ngăn chặn, Bộ Công an tập trung tuyên truyền, thông tin phương tức, tác hại của tín dụng đen cho người dân và chỉ đạo công an các tỉnh thành kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến "tín dụng đen" và rà soát các ngành nghề kinh doanh, siết chặt quản lý song song với các đợt cao điểm tấn công, trấp áp tội phạm liên quan đến "tín dụng đen".
Từ điểm cầu Vĩnh Phúc, công nhân Vũ Kim Anh chia sẻ câu chuyện công nhân phải thường xuyên tăng ca, làm việc vào ngày thứ Bảy, rất khó khám sức khỏe, mong muốn phát triển bệnh viện phục vụ các khu công nghiệp.
"Trước mắt tổ chức các cơ sở khám chữa bệnh ở khu công nghiệp để thuận tiện đi khám, chữa bệnh, để kịp thời cấp cứu sự cố nơi làm việc, và đề nghị cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được làm việc trong ngày chủ nhật, làm việc ngoài giờ hành chính và được thanh toán bảo hiểm y tế"- công nhân Kim Anh nêu.
Thủ tướng cho biết, vừa qua trong đại dịch Covid-19, toàn hệ thống chính trị, được ủng hộ của nhân dân, được ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thực hiện chống dịch Covid-19, đến nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình, đang trở về trạng thái bình thường là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta.
Với mục tiêu, chủ trương đặt sức khỏe của người dân, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhất là đại dịch, Thủ tướng cho biết qua rà soát lại những được cơ bản được, còn những cái chưa được như hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở còn thiếu, còn yếu cả về mặt pháp lý, cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện và đầu tư cho nguồn nhân lực.
Với ý kiến của công nhân, Thủ tướng cho rằng đã phản ảnh chân thực thực tiễn ở cơ sở. Ông cho biết đang rà soát lại, lần này Quốc hội cũng cho sửa đổi Luật về khám, chữa bệnh, Chính phủ cũng rà soát lại các nghị định liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và hệ thống y tế dự phòng.
Báo cáo thêm với Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện nay việc khám, chữa bệnh cho công nhân lao động đã được tổng hợp nhiều năm nay, nhưng đang vướng 2 việc là cơ sở khám, chữa bệnh ở khu công nghiệp chưa được quy định trong mạng lưới y tế và khám, chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân lao động thì bảo hiểm y tế có thanh toàn hay không?.
Đồng thời tiền lương cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ở đây cũng rất cần bàn đến. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tới đây sẽ có tổng hợp, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng.
3,4 triệu công nhân được nhận hỗ trợ về nhà ở sau dịch
Từ điểm cầu Hà Nội, công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy gửi mong muốn đến Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc giải quyết về chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho con em công nhân là trẻ mầm non làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất và hỗ trợ chính sách cho người lao động về tiền thuê nhà trọ.
Thủ tướng chia sẻ đây là vấn đề đang nóng bỏng, nhất là sau dịch Covid-19. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã phân công Bộ Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương để cùng đề xuất với Quốc hội một số chủ trương, chính sách xử lý vấn đề này.
Sau khi chia sẻ với công nhân, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo lại vấn đề này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết suốt 2 năm qua đã ban hành nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ".
Đặc biệt như Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch Covid-19, nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tổng kết đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng, 81.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động.
Bộ trưởng cho biết việc hỗ trợ con em công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là nội dung được quan tâm trong xây dựng chính sách, con em mồ côi trong dịch đều ban hành chính sách riêng; trẻ em F1, F0 sinh trong giai đoạn đó cũng được hỗ trợ, phụ nữ, người cao tuổi cũng vậy.
Riêng về chính sách hỗ trợ Nhà ở để thực hiện Nghị quyết Quốc hội cũng như chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau dịch, Bộ trưởng cho biết đây là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất.
Hiện nay có 2 chính sách đang được hỗ trợ là vay vốn và hỗ trợ nhà ở. Bộ trưởng cho biết hiện chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên, Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành đã tập hợp xong đối tượng danh sách này.
Dự kiến số lượng theo tổng hợp là khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ, chia thành 2 nhóm: hỗ trợ người kiên trì bám trụ sản xuất (từ ngày 1/2 đến 30/6); hỗ trợ người lao động quay lại sản xuất (từ ngày 1/4 đến 30/6).
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng cho biết các chính sách nói trên được thực hiện một cách khẩn trương, tuy nhiên vẫn còn có nơi, có lúc vẫn chưa thực hiện triệt để chính sách này khi ban hành. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương chủ động vấn đề này.
"Tiền đã có, nhưng thủ tục về mặt tài chính phải làm cho nhanh, trong lúc làm thủ tục như vậy, các địa phương căn cứ vào các nghị quyết, nghị định, quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai sớm" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị dựa trên các quy định của Chính phủ, các địa phương theo tinh thần chủ động giải quyết vấn đề này tại địa phương mình, không để người lao động băn khoăn lo lắng vấn đề này.
"Tôi đề nghị như vậy có được không? - Thủ tướng hỏi công nhân trước khi kết thúc phần giải đáp thắc mắc của công nhân về vấn đề này.
Nhà ở xã hội mới đáp ứng 40% nhu cầu công nhân
Tại điểm cầu Nghệ An, công nhân chia sẻ đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học cho con em khi phải thuê nhà chật hẹp với giá cả đắt đỏ. Thủ tướng thông tin qua đi tìm hiểu nhiều lần, đúng là vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề cần phải giải quyết, đáp ứng đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của công nhân.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần để bàn về vấn đề này và đề nghị Bộ Xây dựng trả lời về những gì làm được và chưa làm được và định hướng giải pháp thời gian tới.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết cả nước đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân thực hiện khoảng 122 dự án với quy mô khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước, là hạn chế mà thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra cho công nhân.
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (40 tuổi, công nhân tại TP HCM) chia sẻ hiện BHXH còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40-45 tuổi. Từ thực tế, chị Thúy Hà đề nghị Chính phủ có giải pháp.
Ghi nhận câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho hay cả nước có 55 triệu lao động, hơn 20 triệu lao động có giao kết hợp đồng nhưng chỉ có xấp xỉ 16 triệu người tham gia BHXH. Tỉ lệ này thấp so với chung nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm thì vẫn là "đáng nể".
Đầu quý II-2022, có một tỉ lệ người lao động rút BHXH 1 lần gây hệ lụy cho người lao động khi về hưu.
Về giải pháp, Bộ trưởng Dung cho rằng việc đầu tiên là nâng cao phúc lợi, đời sống của công nhân lao động. Về việc sửa đổi luật BHXH, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023.
Cụ thể giảm dần thời gian đóng BHXH đủ điều kiện nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng đóng BHXH 20 năm thì quá dài nhưng tinh thần "đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít, đóng ngắn thì hưởng ngắn". Tiếp theo là giải quyết việc chia sẻ bảo hiểm giữa người dài - ngắn, người đóng nhiều - người đóng ít và các cơ chế chính sách khuyến khích người tham gia đóng BHXH.
Bộ trưởng Dung cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm lợi dụng lúc công nhân khó khăn để ép công nhân hoặc mua bán sổ bảo hiểm trá hình.
Nói thêm về vấn đề BHXH, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, việc xây dựng luật pháp chính sách không thể bao hết mọi khía cạnh cuộc sống nên ban hành phải căn cứ thực tiễn, "lấy thực tiễn làm thước đo".
Sẽ rà soát lại các chính sách
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các ý kiến tại đối thoại hôm nay của công nhân lựa chọn ra rất đúng, rất trúng, rất cần phải giải quyết.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời, chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó có công nhân lao động.
Thủ tướng mong muốn anh chị em công nhân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục góp ý, trao đổi để những vấn đề xuất phát từ thực tiễn được giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có anh chị em công nhân.
Thủ tướng đề nghị các ban, bộ ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về đời sống, công ăn việc làm, được nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta.
Trước trăn trở về tiêu cực, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để làm sao đảm bảo "an ninh, an toàn và an dân", Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm thật tốt.
Cùng với đó, các địa phương cần lắng nghe đối thoại hôm nay để rút ra những điều làm được tốt thì tiếp tục phát huy, những điều chưa tốt thì nhanh chóng khắc phục, phối hợp với các ban, bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để góp phần xử lý những nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích chính đáng của công nhân.
Sau chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã trao 25 suất quà cho các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.