Báo chí trong cuộc đua chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển chung của thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Là nhà báo từng “kinh qua” các vị trí công tác tại nhiều cơ quan báo chí lớn như: Tạp chí Nội chính; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cho đến nay khi trở thành một ĐBQH, ông Phạm Nam Tiến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội luôn có những trăn trở, đau đáu làm sao cho báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra từng giờ, từng ngày. Và điều đó nằm ở “bệ đỡ” là thiết kế chính sách, và giám sát quá trình thực thi.
Chuyển mình theo hướng hiện đại, báo chí mới có thể tiếp tục phát triển
PV: Thưa ông, là người từng có nhiều năm công tác trong các cơ quan báo chí, đến nay là một ĐBQH thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ở lĩnh vực báo chí ông đánh giá như thế nào về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí hiện nay?
Ông PHẠM NAM TIẾN: Chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Chỉ có chuyển mình theo hướng hiện đại thì báo chí trong nước mới có thể tiếp tục phát triển.
Chuyển đổi số là nội dung cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, cách sống, cách làm việc của con người với mục tiêu tăng hiệu quả quản lý; nâng cao năng suất lao động; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Chúng ta có thể thấy, quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, điều này càng rõ nét hơn, đại dịch đã làm cho quá trình chuyển đổi số có những điểm đột phá. Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…
Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam hay Vietnamplus, VnExpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số của báo chí hiện nay đang chậm hơn so với xu thế chung. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, báo địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân sự. Không phải cơ quan báo chí, truyền thông nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí chưa đủ nguồn lực và vật chất để cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến và mua sắm trang thiết bị, nâng cấp máy móc. Đầu tư cơ sở vật chất chưa theo kịp yêu cầu nhằm áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật không đồng đều ở các lĩnh vực và các cơ quan trong cùng một lĩnh vực.
Còn về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, theo tôi, hiện nay, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, lúng túng, thiếu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là yêu cầu về kỷ luật thông tin. Trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ, phân tích dữ liệu thông tin của nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó là thách thức về năng lực chuyển đổi số trong sản xuất, sáng tạo nội dung báo chí được đánh giá là thử thách cốt lõi trong ngành báo chí; Khó khăn trong việc bảo đảm nguồn thu cho các cơ quan báo chí; Khó khăn do sự thay đổi thói quen của người dùng, thói quen tiếp cận nguồn thông tin, hành vi tiếp nhận thông tin.
Hay khó khăn trong thúc đẩy phát triển và quản lý mạng xã hội cũng là nguyên nhân. Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet” và thấy rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm sao cân bằng được phát triển và quản lý tốt các trang mạng xã hội, đặc biệt là các trang mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google, Twitter...
Mặc dù hệ thống văn bản điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc cung cấp, sử dụng thông tin trên Internet đã được ban hành, được bổ sung, điều chỉnh, nhưng trên thực tế vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Mặt khác, mạng xã hội là do tính chất mở và không biên giới của Internet nên hành vi vi phạm pháp luật ở nước này, nhưng lại là được phép ở một quốc gia khác, vì vậy việc xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng bị giới hạn. Điều này tạo ra nhiều khó khăn, thách thức to lớn mà rất nhiều nước đang phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển tại mỗi quốc gia, không chỉ tại Việt Nam.
Hay nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới. Các dịch vụ OTT TV trên thế giới như Netflix, Disney+… các doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô ngày càng lớn mạnh; ngoài việc cung cấp các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới tới các quốc gia khác, đã sử dụng nguồn lực tài chính để sản xuất cũng như độc quyền các nội dung hay, cung cấp dịch vụ chất lượng cao tới người sử dụng thách thức đến sự tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam.
Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ những hạn chế
Qua quá trình thực hiện Luật Báo chí hiện nay, ông thấy những quy định trong luật đã có những quy định để báo chí chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa?
- Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt đối với chuyển đổi số, tại Chương IV Hoạt động báo chí đã có những điều luật quy định về những vấn đề như: Thực hiện thêm loại hình báo chí; Liên kết trong hoạt động báo chí; Cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng.
Qua quá trình giám sát việc thực hiện Luật Báo chí 2016, cá nhân ông thấy luật có bất cập gì, và trong lần sửa đổi này cần quan tâm đến vấn đề nào, nhất là tạo cơ hội cho báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay?
- Đúng là trải qua hơn 5 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong thực tiễn của lĩnh vực báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Luật Báo chí 2016 chưa bao quát hết các vấn đề của truyền thông đại chúng khi công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Thực tiễn đã xuất hiện xu hướng báo chí và truyền thông mới mà Luật Báo chí 2016 và các văn bản dưới Luật chưa bao quát hết, như: Xu hướng báo chí đa phương tiện; xu hướng báo chí công nghệ; xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới.
Sửa đổi Luật Báo chí với nội hàm bao quát rộng hơn, phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học công nghệ và truyền thông hiện nay sẽ là một bước tiến quan trọng. Trong đó làm rõ khái niệm, thúc đẩy phát triển tổ hợp báo chí; khái niệm “chủ bút, chủ báo”; hệ sinh thái báo chí, báo chí dữ liệu; điều chỉnh quy định về mô hình cơ quan báo chí, các loại hình báo chí, thông tin, truyền thông, từ đó bổ sung quy định quản lý phù hợp; phân định rõ giữa báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, chính trị, chính luận và các loại nội dung chỉ phục vụ nhu cầu giải trí, thương mại để có biện pháp quản lý phù hợp; điều chỉnh quy định về hoạt động cung cấp nội dung phát thanh truyền hình, cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình phù hợp với thực tiễn và quản lý theo cách hiện đại, áp dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí 2016, còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…); mặt khác với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng (truyền dẫn trên các hạ tầng mạng viễn thông như cáp, DTH, DTT, di động và đồng thời trên môi trường internet qua các trang web, app trong nước và xuyên biên giới vào Việt Nam); đồng thời có sự tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực. Do đó, Luật Báo chí cần có những quy định quản lý phù hợp bảo đảm mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác, cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh của sự phát triển.
Công nghệ là đột phá, nhưng cần người có tư duy
Theo đánh giá thì hiện nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư trang thiết bị công nghệ, phần mềm nhưng vấn đề không chỉ ở đó mà là con người và tư duy. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Chuyển đổi số báo chí lấy nền tảng số là động lực đột phá, kiến tạo sự thay đổi về chất, bồi đắp giá trị truyền thống, văn hóa, sáng tạo các sản phẩm báo chí mới, nâng cao chất lượng nội dung, cải thiện chất lượng trải nghiệm của người dùng, tận dụng và phát triển các nền tảng trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới. Các hệ thống thông tin trong chuyển đổi số báo chí được bảo đảm an toàn thông tin xuyên suốt ngay từ khi thiết kế, trong quá trình xây dựng, vận hành và sau khi không còn được sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trong tương lai, Việt Nam có nền báo chí hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, ý nghĩa, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, góp phần định hướng dư luận, củng cố sự đồng thuận và niềm tin xã hội. Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp, của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng
Điều đó cho thấy, con người đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành, song hành cùng phần mềm, công nghệ. Công nghệ chính là đột phá, nhưng để sử dụng phần mềm, công nghệ hiệu quả thì cần những con người có tư duy. Ở đây, con người và công nghệ phải là một sự kết hợp hiệu quả, hữu ích chứ không phải chỉ đầu tư trang thiết bị, phần mềm đã là chuyển đổi số.
Ở góc độ đề xuất chính sách, sáng kiến lập pháp cá nhân, ông có đề xuất gì để báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số, và đang cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội?
- Vừa qua Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet”. Qua giám sát, thấy rằng, mạng xã hội đã phát triển rất mạnh mẽ và là kênh kết nối nhanh nhất hiện nay được tính bằng giây của hàng tỷ thành viên trên toàn cầu.
Trong tương lai không xa, Mạng xã hội tiếp tục là xu thế phát triển chủ đạo trong môi trường số hóa với số lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao. Theo báo cáo của hãng số liệu thống kê nổi tiếng Statista năm 2021, số lượng người dùng Mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng trên thế giới, đạt khoảng 4,41 tỷ người dùng vào năm 2025.
Bên cạnh các mặt tích cực không thể phủ nhận, các mạng xã hội có nhiều bất cập, đặt ra áp lực và thách thức cho cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới. Các vấn đề hiện nay được thế giới đặc biệt quan tâm giải quyết, bao gồm: Xung đột lợi ích với các ngành công nghiệp tin tức, quảng cáo; Nội dung xấu độc, tin giả; Không bảo vệ dữ liệu người dùng; Độc quyền một nhóm nhỏ các công ty công nghệ lớn “Big Tech”; Không chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung trên nền tảng; Không minh bạch thuật toán sử dụng.
Hiện nay, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, lúng túng, thiếu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là yêu cầu về kỷ luật thông tin. Trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ, phân tích dữ liệu thông tin của nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng.
Ông Phạm Nam Tiến
Chúng ta thấy rằng, sự lấn át của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới còn kéo theo những hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác, khi những thể loại nội dung khác được các nền tảng xuyên biên giới ưu tiên phát tán: Xu thế chửi bới, bôi nhọ, “bóc phốt”, tấn công cá nhân trên không gian mạng thời gian gần đây không chỉ là những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa. Nó còn là sự thách thức đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành “fan cuồng” có thể quay ra “tấn công” các cơ quan nhà nước, các cơ quan truyền thông chính thống bằng nhiều hình thức.
Những nội dung “lệch chuẩn” như vậy hiện đang thu hút một lượng lớn người theo dõi trên không gian mạng, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội, làm giảm vai trò ảnh hưởng, định hướng thông tin, dư luận xã hội của báo chí.
Do vậy, bài toán đặt ra là cần xây dựng mạng xã hội “Make in Vietnam” thế hệ mới phải là sản phẩm sạch, có trách nhiệm với người dùng và xã hội, cam kết hợp tác và chia sẻ lợi ích với người dùng, phát triển đồng hành với lợi ích của người dùng. Và chuyển đổi số là một lời giải cho đổi mới sáng tạo để cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung trên các nền tảng này để góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Theo tôi, cần sự kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội. Mạng xã hội đang tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động truyền thông. Có thể nói, nhờ hàng tỷ người có tài khoản của mình trên mạng Internet nên thông tin được truyền nhanh chóng và rộng khắp.
Nhiều người cho rằng, đây cũng chính là một loại báo chí - báo chí công dân. Lợi thế của mạng xã hội - báo chí công dân là rất đông đảo, nội dung không bị biên tập, không bị quản lý. Và đây cũng chính là cái yếu, cái bất lợi của mạng xã hội - độ tin cậy của thông tin thấp. Các tờ báo mạng điện tử hiện nay trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Trên Facebook, Twitter, Zing Me... số lượng các liên kết được chia sẻ liên tục thay đổi theo xu hướng lớn lên hàng ngày. Đồng nghĩa với đó là số lượt người truy cập vào các tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, báo chí buộc phải định hình lại hoạt động của mình. Thông qua truyền thông xã hội và mạng xã hội, báo chí tương tác đặt một nhịp cầu nối liền nhà báo với xã hội rộng lớn. Ngược lại, mạng xã hội cũng từng bước xác lập như một trung gian giữa các phương tiện truyền thông và độc giả.
Bên cạnh đó, truyền thông xã hội làm thay đổi mối quan hệ giữa báo chí và độc giả, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong báo chí. Nếu trước đây, độc giả Việt Nam đón nhận thông tin một chiều, thiếu cơ chế giám sát cũng như phản hồi đối với thông tin từ báo chí (hoặc giám sát, phản hồi kém hiệu quả tại các mục tương tác trong báo chí, không phản ánh được thực tế tâm lý người đọc), thì giai đoạn từ năm 2008 trở đi, hầu hết các tờ báo mạng đều triển khai mục “bình luận của bạn đọc” (comment) và “yêu thích” (like) dưới mỗi bài viết.
Nhờ có dữ liệu thông tin từ phản hồi của bạn đọc, các tờ báo có thể nỗ lực tìm kiếm các chủ đề hay, có liên quan mật thiết đến thực tế và cuộc sống của độc giả hơn, tạo ra diễn đàn chung để công chúng thảo luận những vấn đề cùng quan tâm. Tốc độ lan tỏa của mạng xã hội giúp báo chí đẩy nhanh và lan tỏa rộng rãi đến nhân dân, yêu cầu đội ngũ báo chí cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn.
Quy hoạch và chuyển đổi số trong báo chí để hướng tới sự phát triển bền vững
Hiện nay chúng ta đang thực hiện quy hoạch báo chí. Và các tòa soạn cũng đang thực hiện chuyển đổi số. Theo ông làm sao để 2 việc trên thực hiện hài hòa với nhau để vừa quy hoạch báo chí, vừa làm cho báo chí phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay?
- Mục tiêu chung của Quy hoạch báo chí là: Tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; đa dạng hóa phương thức cung cấp nội dung và hoạt động kinh doanh sản xuất; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng, theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Mục đích quy hoạch báo chí và chuyển đổi số trong báo chí đều là để báo chí phát triển. Để có thể thực hiện song song quy hoạch báo chí và chuyển đổi số, các cơ quan, ban ngành cũng đã có những đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Với chúng tôi, đã có những khảo sát, giám sát, nắm tình hình và có những kiến nghị để có những quy định pháp luật đầy đủ, bao quát nhất cho sự phát triển của báo chí. Điều quan trọng nhất là sau khi các chương trình, chiến lược được ban hành, các chính sách được đề ra thì phải thực hiện thật nghiêm, thực chất.
Trân trọng cảm ơn ông!