‘Viết dài mà rỗng thì không tốt’

GS NGUYỄN LÂN DŨNG 19/06/2022 05:58

Khi đặt bút viết báo hay trả lời báo chí tôi luôn nhớ đến những lời khuyên của Bác Hồ. Bác bảo: Viết dài mà rỗng thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch.

Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.339). Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chứng minh, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy (Sđd, tập 8, tr. 206). Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại (Sđd, tập 8, tr.208)|. Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ (Sđd, tập 15, tr.666)

Đọc báo không chỉ mở mang kiến thức mà còn làm cho mình thêm yêu cuộc sống. Ảnh: Thư Hoàng.

Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều người tôi quen, dù bỏ ra nhiều tỷ để tậu nhà, tậu xe nhưng hầu như không bao giờ đặt mua một tờ báo nào. Tôi có thói quen cuối năm bao giờ cũng đặt mua báo cả năm. Đó là các tờ báo ra ngày thứ 10 hàng tháng như Văn nghệ, Tinh hoa Việt, Kiến thức ngày nay hay các tuần báo như Nhân dân cuối tuần, Thanh niên cuối tuần,Tuổi trẻ chủ nhật. Đọc báo không chỉ mở mang kiến thức mà còn làm cho mình thêm yêu cuộc sống, yêu biết bao con người đang làm đẹp lên cho cuộc sống.

Tôi hay trả lời phỏng vấn với nhiều nhà báo trẻ. Nhiều nhà báo làm tôi thực sự thất vọng. Mất cả buổi để nói, dù phóng viên có ghi âm, nhưng khi lên báo thấy các bạn ấy “cho” tôi phát biểu những câu tôi chưa nói bao giờ. Tôi khuyên các bạn ấy nên chọn một vài nhà báo làm tấm gương để mà noi theo. Các bạn ấy hỏi tôi: Bác chọn nhà báo nào làm gương? Tôi trả lời: Tôi chọn hai người, một là nhà báo lão thành Phan Quang và hai là bạn đồng nghiệp Hà Minh Đức. Họ viết quá giỏi, bài nào cũng hay, câu nào cũng đáng nhớ. Họ có vốn sống và vốn kiến thức rộng lớn và có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm.

Ngày xưa chỉ có báo in, nay có thêm báo mạng. Báo mạng phát hành nhanh chóng và rộng rãi. Không nhất thiết cần máy tính, chỉ cần điện thoại thông minh cũng đọc được báo mạng. Viết báo mạng không những có nhiều người đọc mà còn thường xuyên nhận được ý kiến của bạn đọc. Mỗi khi có bài trên báo mạng tôi thường xuyên đọc hết các ý kiến của bạn đọc. Đó là những phản hồi rất có giá trị, giúp mình biết thêm cái được, cái chưa được về bài viết của mình. Viết báo mạng tưởng dễ mà thật khó. Báo VnExpress có mục Góc nhìn, mỗi ngày chỉ có một bài viết được đăng. Bài nào cũng được rất nhiều người đọc, nhiều ý kiến nhận xét phản biện. Mỗi lần được đăng tôi thấy hứng thú vô cùng.

Công nghệ thông tin còn giúp rất nhiều cho người viết báo. Khi cần hiểu thêm điều gì mình định viết có thể tham khảo thêm các bài báo đã viết về vấn đề đó. Muốn trích dẫn ý kiến của ai cũng có thể tìm hiểu qua báo mạng. Không thể tưởng tượng được thời buổi này mà có nhà báo nào lại không biết tìm hiểu thông tin qua báo mạng và không đọc báo mạng.

Báo và tạp chí (giấy) sau khi đọc xong nên dùng để làm gì? Tôi thường lưu giữ loại khổ nhỏ có nhiều thông tin, nhiều kiến thức bổ ích, xếp lên giá. Có lẽ ít ai có bộ sưu tập báo Kiến thức ngày nay nhiều như tôi (rất tiếc gần đây báo này đình bản vì khó khăn về tài chính). Thỉnh thoảng đọc lại vẫn thấy thú vị và bổ ích. Với các báo khác nên giữ lại trong vòng một năm để thỉnh thoảng tìm kiếm thông tin cần tham khảo. Sau đó tặng lại cho người thân hay bạn bè, những người ham đọc nhưng không có điều kiện mua báo.

GS NGUYỄN LÂN DŨNG