Dân Viện Toán

PHẠM QUANG ĐẨU 28/06/2022 07:18

Ngày ấy tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi tàu hỏa vào Nam công tác, toa giường nằm ở phía đối diện có một đôi đang ríu rít như chim cúc cu. Anh khoảng 34-35, còn chị nhìn lướt, trẻ trung, xinh xắn. Câu đầu làm quen, anh tự giới thiệu ngắn gọn: Mình dân Viện Toán...

Từ phải sang, các GS.TSKH Nguyễn Tự Cường, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2017.

Tôi có biết tiếng Viện Toán học Việt Nam của anh đóng trên mạn Nghĩa Đô, Hà Nội - chốn hàn lâm viện lâu nay. Anh bạn ngồi trước tôi tên là Nguyễn Xuân Tấn, đậm người, mặt hồng hào vượng khí, đeo cặp kính cận khá dày, hễ cười là hết cỡ luôn. Anh chị đang trên đường vào Trường Đại học Tổng hợp Huế, anh bảo dạy một “cua” toán gì đó. Rồi giữa anh và tôi chuyện cứ nở như ngô rang suốt chặng đường. Sau chuyến đi Huế về, “dân Viện Toán” vui tính Nguyễn Xuân Tấn chủ động đến tòa soạn báo tìm lại tôi. Anh tiết lộ luôn, cô đi với mình hôm ấy mới bồ thôi, mà Thu Hương biết ông đấy, đã một lần gặp. Tôi giật mình, cô bạn làm đâu nhỉ?

Phóng viên văn xã báo Hà Nội mới. Nhớ rồi, tôi đã gặp Hương trong một cuộc họp báo do một phóng viên trẻ cùng phòng tôi giới thiệu, họ vốn quen biết nhau từ thuở học trò. Tấn mới gặp đã có sức thu hút như thế, đến nỗi tôi mải chuyện quên bẵng người bạn gái của anh ngồi cạnh, mà lần gặp Hương trước đó cũng không lâu gì.

Rồi Xuân Tấn-Thu Hương chính thức cưới, mời tôi. Chủ hôn hôm ấy là nhà thơ Phùng Quán, anh kết nghĩa của Tấn. Nhà thơ ngày đó mới ngót 60, tóc bạc gần hết chải hất ngược, chòm râu dài trắng phơ phất. Bắt đầu hôn lễ, nhà thơ nở nụ cười hiền từ giơ cao tấm bìa cứng trước đôi uyên ương và mọi người, có viết một phương trình rõ to: 1+1=1. Lời chúc cho đôi bạn trẻ yêu nhau đến đầu bạc răng long theo kiểu toán học như thế thật là độc đáo, hóm hỉnh!

Từ ngày quen thân Tấn, tôi hay lên Viện Toán chơi. Hóa ra dân Viện Toán đều bằng cấp đầy mình, toàn Phó giáo sư (PGS), Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS), Tiến sĩ khoa học (TSKH). Mỗi người một phòng làm việc nhỏ, ngoài cửa có treo tấm biển chức danh, chẳng hạn: GS.TSKH Nguyễn Xuân Tấn - Trưởng phòng Giải tích; GS.TSKH Nguyễn Tự Cường - Trưởng phòng Đại số; GS.TSKH Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện...

Viện này ra đời đầu năm 1969, gắn với tên tuổi bậc khai sáng là cố GS.TSKH Lê Văn Thiêm. Hiện ở cổng Viện nhìn ra đường Hoàng Quốc Việt đặt một pho tượng bán thân ông bằng đồng. Hà Nội có đường phố mang tên ông.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, thời nào Viện Toán cũng chiêu mộ được những người giỏi toán nhất. Trình độ toán học nước ta hiện được đánh giá là đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á xét ở tiêu chí công bố quốc tế, chủ yếu nhờ vào lực lượng hậu duệ hùng hậu của “tổ nghề” Lê Văn Thiêm. Lên Viện Toán tôi còn nhận ra một điều. Ở đây ai cũng sống dựa chủ yếu vào đồng lương công chức, chỉ chuyên chú vào các con số toán học khô khan mà như “quên” những danh lợi phù hoa trong đời thực. Cái chức viện trưởng, viện phó, chủ tịch hội đồng... nhiều khi phải nài ép họ mới nhận và cuối năm tổng kết thi đua, đánh giá năng lực cán bộ dựa vào việc anh/chị đã có bao nhiêu bài đăng tạp chí trong nước, quốc tế; có bao nhiêu trích dẫn?

Tôi vốn ham chơi bóng bàn, đôi khi được giới bóng bàn nghiệp dư Hà Nội nhắc tên, lên với Tấn không ngờ anh và các bạn anh cũng “khoái khẩu” môn này. Qua thú chơi ấy, người ngoại đạo như tôi bỗng “đột nhập” sâu được vào lãnh địa của dân toán, từ đây có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Những "fan" bóng bàn của tôi, toàn GS.TSKH nghiêm cẩn, những nhà toán học xuất sắc, đời thường lại dễ tính, ham vui, ngoài Tấn có thể kể tên các “bạn bóng bàn” khác như: Nguyễn Tự Cường, Ngô Việt Trung, Lê Dũng Mưu, Nguyễn Đình Công, Nguyễn Minh Trí...

GS Nguyễn Xuân Tấn (bên trái) cùng tác giả bài viết trong lần qua phà sông Luộc về quê anh ở Thái Bình (năm 2004).

Nghiên cứu toán là một nghề khá đặc trưng và có sức hấp dẫn kỳ lạ với những ai say mê nó. Hồi đầu Viện Toán học Việt Nam thành lập đã gặp câu chuyện bi hài dưới đây. Một anh quê Quảng Bình vốn dạy toán cấp 3, thấy Bài toán Fermát “ngon xơi” quá (khoảng năm 1637 trạng sư kiêm nhà toán học người Pháp P. Fermát đã viết trong một quyển sách: phương trình tổng quát an+bn=cn không có nghiệm là số nguyên dương nếu n là số nguyên lớn hơn 2, tôi đã tìm được một cách giải rất hay mà lề sách này hẹp quá không thể viết ra).

Một bài toán sơ cấp vậy mà tồn tại những 350 năm thế giới chưa ai giải được, thế là anh bập vào. Giải mãi, giải mãi, ngày đó thời chiến thiếu đói có lúc anh nhấm khế khô thay cơm, hàng xóm thấy thầy giáo vất vả suốt ngày hì hụi viết những con số lằng nhằng nhà không còn hạt gạo thì thương sang chi viện thêm ít lát khoai khô.

Cuối cùng anh nghĩ mình đã thành công, bê khoảng 5 kg bản thảo ra Hà Nội, đến Viện Toán trình bày. Các viện sĩ đã chỉ cho anh chỗ sai, anh không chịu “kiện” lên tận Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng chỉ thị xuống “đề nghị Viện xem xét lại”. Mãi đến năm 1993, một nhà toán học người Anh tên là Andrew Wile sau 8 năm ròng, vận dụng đủ thứ toán hiện đại mới giải thành công bài toán xương xẩu nhất mọi thời đại ấy.

Đã là dân viện toán, hẳn nhiên là phải có năng khiếu về toán học rồi, nhưng không phải ai cũng xuất thân trong một gia đình có truyền thống toán học (Như trường hợp của GS Ngô Bảo Châu, cha là một tiến sĩ khoa học toán cơ, mẹ là một tiến sĩ hóa dược...). Tôi đã về thăm quê Nguyễn Xuân Tấn ở xã An Đồng, thuộc huyện Phụ Dực cũ sau đổi là Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Một làng thuần nông nghèo bên sông Luộc. Cụ thân sinh Nguyễn Văn Cẩn, là liệt sĩ chống Pháp. Hết phổ thông do học giỏi Tấn được chọn đi Tiệp học đại học, tốt nghiệp anh chuyển tiếp nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Toán, Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức.

Nhiều bận lên đây, tôi nảy ra ý định tìm hiểu về công việc của các viện sĩ, cũng là tò mò biết cho vui thôi. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cũng là dân toán “máu me” bóng bàn, có lần nói thật với tôi: Thứ toán các bác Viện Toán làm cao siêu lắm, em cũng không hiểu; còn có lần Tấn lại bảo: Toán sơ cấp dành cho học sinh đi thi Olympic toán quốc tế của trường Vũ Lương phải biết mẹo mới giải được, nhiều bài hóc hiểm giáo sư ở đây lâu ngày không rờ đến toán sơ cấp, cũng tắc. Tôi gặng Tấn, thế cậu làm thứ toán gì vậy? Anh lại cười hết cỡ, mình cùng kiểu toán tối ưu với Đinh Thế Lục, không giống tối ưu của bác Hoàng Tụy đâu nhá.

GS.TSKH Đinh Thế Lục bạn thân của Tấn, người Ninh Bình, ngày đó là một trong 8 nhà toán học của Hội đồng Giải tích lồi thế giới, đã giải thích cho tôi theo cái cách dễ hiểu nhất: Có hình cầu, Tối ưu toàn cục của bác Hoàng Tụy là xét cả mặt cầu, còn Tối ưu đa mục tiêu bọn mình chỉ xét phần biên mặt cầu ấy. Nghe mà biết vậy thôi.

Rồi Nguyễn Xuân Tấn tặng tôi cuốn sách viết chung với Nguyễn Bá Minh: Một số vấn đề trong lý thuyết tối ưu véc tơ đa trị (NXB Giáo dục, 2006). Không nói đến nội dung, nhưng đọc lời giới thiệu của GS.TSKH Phạm Hữu Sách, nguyên Viện trưởng Viện Toán, thì tôi hiểu: “...cuốn sách mở ra các ý tưởng và phương hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng trong lý thuyết các ánh xạ đa trị”. PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Trưởng bộ môn toán Trường Đại học Thương mại, vốn là một nghiên cứu sinh của Tấn bảo tôi: Thầy Tấn riêng nghiên cứu mới về ánh xạ đa trị đã có hơn 400 trích dẫn, vào loại cao đột xuất đấy.

Cuối năm 2020, Tấn nghỉ hưu, anh “tổng kết” với tôi về nghiệp toán: Mình đã trình làng tổng cộng 70 công trình, vào hạng “thường thường bậc trung” trong viện thôi. Anh có trên 40 năm liên tục là dân viện toán, lại còn hướng dẫn thành công khoảng một chục tiến sĩ, thạc sĩ, hẳn sự “ bậc trung” như anh khiêm tốn tự nhận cũng là đáng ngưỡng mộ tự hào!

Còn với hai “bạn bóng bàn” Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường 2016 là một năm vui. Hai anh với một đồng nghiệp nữa trong Viện được nhận giải thưởng cao nhất về khoa học công nghệ nước nhà. Vậy là tròn 20 năm sau Giải thưởng Hồ Chí Minh của hai bậc tiền bối Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, giờ gọi đến tên các anh.

Như tuyên dương của Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, công trình của các anh thuộc lĩnh vực Đại số giao hoán một trong khoảng 100 chuyên ngành toán học. Các anh đã chọn lọc từ gần 200 bài báo công bố các năm 1980 - 2008, được đánh giá đặc biệt xuất sắc bởi mở ra một số hướng mới, cho kết quả đột phá. Chỉ tính từ năm 2000, trích dẫn gần 2.000 lần của hơn 600 tác giả trên thế giới. Và thêm một tin vui nữa, năm 2022 này, GS Ngô Việt Trung sắp bước vào tuổi 70 còn có thêm một thành tựu khoa học, anh được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho một công trình toán học mới khác cũng thuộc lĩnh vực Đại số giao hoán.

Thật có ý nghĩa khi hơn nửa thế kỷ trước chính GS Tạ Quang Bửu là người đầu tiên nhận ra tài năng toán học của cậu học trò Ngô Việt Trung. Cuối năm lớp 7 Ngô Việt Trung và Nguyễn Tự Cường từ hai trường đến dự lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện Từ Liêm (Hà Nội). Thế là từ đó toán học đã gắn kết hai người trên suốt chặng đường dài…

Hôm nay Viện Toán vẫn giữ được truyền thống tre già măng mọc, quy tụ nhiều người tuổi trẻ tài cao. Thời nào, đây cũng là cái nôi ươm mầm, phát triển “nguyên khí quốc gia”. Còn tôi, trong ký ức vẫn in đậm những kỷ niệm với dân viện toán tài năng và bình dị ở chốn hàn lâm viện thâm nghiêm có bầu không khí học thuật dân chủ và thanh sạch ấy.

PHẠM QUANG ĐẨU