Hiệu sách nơi phố huyện
Hiệu sách phố huyện cũng là tòa nhà quét vôi vàng, cửa chớp sơn xanh và hiên Tây nhưng xem ra có vẻ lép vế hơn hẳn so với những tòa nhà bách hóa hay lương thực của huyện. Khi hỏi thường được chỉ, đối diện huyện ủy, ủy ban hay huyện đội, hoặc là gần trường chuyên của huyện... Đúng là hiệu sách của huyện thời bao cấp khi mà cơm ăn, áo mặc thiếu thốn nên không chỉ bé nhỏ mà còn có phần... chơi vơi.
Là vì, thời ấy những cửa hàng bách hóa, lương thực, thực phẩm mới oai, thứ đến là hiệu thuốc, nông cụ, bưu điện, chứ hiệu sách thì cứ gọi là tinh thần xếp sau chuyện no cơm, lành áo... Thường thì huyện nào cũng sẽ xây những tòa nhà lớn trước và sẵn thợ thuyền, nguyên vật liệu sẽ xây những công trình nhỏ sau, hiệu sách nằm trong số công trình nhỏ.
Ngày ấy khó lòng mà thấy huyện nào cắm đất và xây hiệu sách nhân trước, cũng dễ thông cảm thôi. Vì báo chí thư từ, bưu phẩm đi theo đường bưu điện, giấy vở học sinh cho đến đồ dùng học tập, tù cục tẩy đến cái hộp bút, lọ mực... đều mua phân phối ở cửa hàng bách hóa. Sách giáo khoa thì nhà trường cho mượn, đầu học kì mượn, cuối học kì trả lại nhà trường để lớp sau học tiếp... nên hiệu sách nhân dân ảm đạm và buồn thiu là thế.
Xưa, sân trường cho đến nền lớp học cũng đều là đất, gió cuốn bụi bay, lá rê khắp nơi, sân bách hóa là cả bãi đất trống để họp chợ chiều. May ra chỉ có huyện ủy, ủy ban hay huyện đội có sân xi măng, thế nên sân hiệu sách cũng trũng nước, cây dại mọc đầy, có khi mấy bậc lên xuống bị lún, nứt toác hay nghiêng hẳn đi.
Ngày hiệu sách nhân dân khánh thành, cũng ngái mùi cót ép đóng trần, hăng mùi vécni quầy tủ kính và nền hiệu sách lát gạch bát đỏ au. Nhưng rồi nắng mưa, ẩm mốc, ít người qua lại và những hư hỏng bị sửa chắp vá khiến hiệu sách nhân dân của huyện có những khi như người nghèo mặc áo vá.
Nghèo lắm! Ba dãy quầy kính sách bày thưa thếch. Quầy lớn, trực diện chỗ hai cô bán hàng đứng quầy thường có sách bày, chứ 2 quầy bên khi có, khi không. Những tủ kính sau lưng các cô thường là những cuốn tiểu thuyết kinh điển, sách nông nghiệp... Đây có thể nói là bộ mặt của nhà sách.
Thi thoảng không biết theo lối nào hiệu sách về được số lượng họa báo, họa báo Liên Xô cực đẹp, in màu. Trên đó rất nhiều hình đẹp, nhiều người mong sở hữu về để cắt ra những hình hoa, nghệ sĩ, diễn viên để ngắm. Người lại muốn có cuốn này để bọc vở cho con. Ít ra cũng được 2 năm, vì họa báo dai, không dễ nát, hỏng như vở bọc báo in thường.
Ngày ấy so ra cánh thoát ly, ăn gạo sổ thì người bán hàng ở hiệu sách là nhàn nhất, vì quanh năm ngày tháng chỉ ăn cơm nhà và đứng quầy, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, lại không vất vả bao giờ. Chỉ là mỗi ngày mở cửa, quét dọn nền lau bụi mặt kính và đứng đọc truyện. Đọc mãi, ít giao tiếp cũng chán, lương lại chỉ có vậy nên có những cô đan len hay làm thêu, làm ren thêm. Dù các cô có công khai vừa đứng quầy vừa làm việc riêng thì cũng chẳng ai nhắc, vì tình hình khó khăn chung cả.
Phố huyện rộn ràng ngày đong gạo sổ, ngày bán hàng phân phối, ngày lò mổ thịt lợn bán phiếu người lớn, phiếu TR (trẻ em) thì vẫn không mấy ảnh hưởng đến họ. Thi thoảng lắm mới thấy các cô làm sổ hay nhập hàng. Cuối giờ chiều, lại lên xe đạp về nhà theo con đường liên xã vắt qua mấy cánh đồng, thậm chí sang bên kia sông với ông chồng làm nông được tiếng lấy vợ thoát ly, mẹ chồng hậm hực “ăn thua gì, mài sách ra mà ăn được đâu”.
Ấy thế nhưng, người dửng dưng thì cứ dửng dưng, ngay cả cán bộ huyện cũng chẳng mấy người quan tâm đến hiệu sách, có đến cũng chỉ đứng quầy tán phét dăm câu ba điều chứ dù là sách dậy chiết cành, bón phân cho đến sách dạy chăm sóc lợn đại bạch thì cũng ít khi họ mua. Đám truyện dày cộp kia họ cũng chẳng thèm để mắt.
Việc cơ quan, việc nhà, ma chay hiếu hỉ, tối con khóc, dầu hỏa ít, hôm nào có trăng lọt thì cũng chẳng để cái đèn dầu nhỏ bằng con đom đóm đực ngoài cửa buồng nữa là nói đến việc chong đèn đọc cuốn truyện. Cho nên, sách truyện thế nào cũng mặc, mua được xúc giấy Bãi Bằng trên bách hóa huyện cũng phải dặn con chia cẩn thận để đủ vở các môn.
Đám cán bộ văn hóa huyện, bên đài phát thanh, nhóm phụ trách văn xã huyện ủy hay đám giáo viên trường chuyên gần đây cũng không phải ai cũng ra đây tìm mua sách. Phải tận dụng thư viện nhà trường nếu cần, có thể mượn đọc được thì tốt chứ mua không phải ai cũng dễ dàng xuất tiền với số lương eo hẹp của mình.
Ngày ấy, không phải hiệu sách huyện nào cũng có những bộ sách quý như: “Sông Đông êm đềm”, “Đồi gió hú”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Tấn trò đời”, “Nhà thờ đức bà Paris”, “Chữ A màu đỏ”… Những tập truyện ngắn Sê-khốp, tiểu thuyết, thơ… Nhìn tập “Thi nhân Việt Nam” biết là hay, nhưng có người phải đi dăm lần mới dám mua. Đọc rồi, thuộc cả đấy mà vẫn muốn sở hữu. Mua cuốn này có nhiều tác giả, lại có Hoài Thanh, Hoài Chân bình, mua những cuốn khác thì có lẽ ít được biết đến nhiều tác giả thế này.
Sách ngày đấy hiếm hoi mới có loại bìa cứng, giấy trắng. Thường thì chỉ có sách của NXB Cầu Vồng. Cánh sinh viên đi học ngoài Hà Nội thường về ghé hiệu sách nhìn những cuốn tiểu thuyết kinh điển này thèm thuồng. Không phải ai cũng có tiền mua. Vì đang tuổi ăn, tuổi lớn gạo 13 kg, tem phiếu cắt theo khẩu ra trường, cuối tuần về vẫn đẽo bố mẹ thêm dăm cân gạo, lọ ruốc, hay khúc cá thì để có tiền mua được những cuốn này khó lắm.
Nhưng rồi, trong cả huyện và những khách vãng lai thăm hiệu sách nhân dân của huyện cũng có người mua. Người bán mừng, người mua cũng mừng, hỏi thăm nhau ríu rít. Những cuốn truyện ấy truyền tay cả mấy thế hệ, đến giờ ai từng sở hữu, từng mượn được hay làm mất nó đều nhớ. Nhớ cả những cảm xúc ngày đấy đã từng chong đèn, yêu, khóc, day dứt hay ám ảnh vì nhân vật…
Ngày ấy, cũng có người nhắm đến mấy cuốn của nhà xuất bản sự thật. Hai chữ "st" mảnh khảnh đứng cạnh nhau, bìa cuốn nào cũng màu trắng, chữ đỏ, hoặc chữ đen thật giản dị.
Đám học trò trường cấp 2, cấp 3 của các xã trong huyện cũng nhiều đứa lai vãng ở hiệu sách này dịp cuối cấp. Chúng sẽ mua những tờ bưu thiếp Liên Xô, hay những tờ bưu thiếp in thủ công để tặng nhau. Ngày ấy, những đứa sẽ cùng nhau theo học lên trường huyện hay cùng “thôi học” ở nhà ngấp nghé “chống lầy” thì sẽ nháy nhau cắt giảm để dành tặng cho những đứa bạn thân sẽ phải chia tay nhau.
Những dòng chữ học sinh đứa viết đẹp, đứa viết ngoáy, đứa viết ngây ngô, đứa viết chi chít thật cảm động. Cho dù thế nào, nhiều đứa trẻ ngày ấy nay đã nghỉ hưu, đã bạc tóc, đã trở thành người già vẫn thật là nhớ và vẫn giữ những tấm bưu thiếp nhuốm màu thời gian, in dấu tuổi hoa niên này.
Thế rồi, sau đổi tiền, ai cũng nói đến cơ chế thị trường, những biển hộp mica, những biển chữ vi tính các màu đẹp về khắp phố huyện, phố làng. Cửa hàng lương thực huyện, cửa hàng bách hóa thưa dần người. Chẳng ai nhớ chính xác từ tháng nào toàn dân không còn đong gạo sổ, chỉ thấy cửa hàng lương thực vắng người, cỏ mọc đầy sân. Cô bán hàng mặt vênh vênh nghe bảo đã xin vào huyện ủy làm hành chính.
Cửa hàng bách hóa lấy hàng Đồng Xuân về bán lại làm sao được với những đại lý của người hàng phố. Mấy cô bán hàng chưa xin được đi đâu, cố duy trì suất biên chế còn ngồi buồn thiu sau những cái tủ quầy uy quyền một thời. Sau rồi, những cửa hàng ấy chia lô đất cho cán bộ và chẳng mấy những cửa hàng đó chỉ còn trong ký ức.
Hiệu sách hồi sinh và phát triển trong cơ chế thị trường. Vẫn đất ấy, nhà ấy, thậm chí quầy ấy, bình có thể cũ nhưng rượu đã mới. Sách trong quầy, trong nhà sách “trù phú” không khác gì phố huyện. Sách gì cũng có, chia thành từng quầy: Sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Sách khoa học, sách văn học, sách dịch. Chưa kể lịch và một số vật dụng trang trí bắt mắt đám học sinh. Đây là địa chỉ tin cậy cho đám học sinh mua sách vở và đồ dung học tập.
Sách truyện theo nhau về phải nói là ùn ùn, chỉ có đám trung niên mới gọi là hiệu sách, đám trẻ nó gọi là nhà sách từ lâu, vì chúng đã từng hoặc ao ước đến những nhà sách lớn ở thị xã, thành phố hay thủ đô Hà Nội.
Sách văn chương kinh điển, in mới bìa và giấy đẹp vô cùng. Nhưng vẫn như xưa kén người mua trong huyện. Đám sinh viên mê văn chương thì mua trong nhà sách lớn hoặc bảo nhau chờ “đẩy lên mạng” đọc miễn phí…
Vẫn cái cửa chắp vá vụng về, nhưng cái trần cót ép xưa đã được thay bằng trần nhựa trắng, đèn tuýp đôi sáng trưng các kệ, các quầy. Lại những tấm bưu thiếp đẹp đến… kỳ diệu thật bắt mắt. Những ba lô, túi hồng, dây buộc tóc, gương soi, cho đến những cây xương rồng, hoa đá chật một góc. Đám trẻ nhỏ mặc váy theo mẹ vào nhặt đồ chơi nhiều hơn sách mà bố mẹ vẫn đồng ý.
Có người vào hiệu sách huyện tìm mãi mà chẳng mua gì. Cứ ngắm mãi cái quầy gỗ cũ rích ở góc. Gỗ cũ đã sứt, nhằng nhịt vết thời gian. Vẫn nhớ, cuốn sổ lưu bút mua ở đây, tấm bưu thiếp cũng mua ở đây tặng cho người đi lính. Đó là bông cẩm chướng có dòng chữ tiếng Nga. Loài hoa biểu tượng cho tình bạn Anh ấy đã đem đi thật xa, xa lắm. Đúng rồi, chưa ngỏ lời. Giá như anh ấy nói, giá như anh ấy mang theo về chốn xa xanh mối tình đầu nhỉ, sẽ bớt tủi, dù chưa hôn nhau, cũng được.
Mấy cây ké hoa vàng vẫn mọc ở góc sân hiệu sách, không biết đã bao lần quả rụng, hạt nảy mầm để loài cây này còn cho đến tận giờ. Cạnh đó mấy mê cỏ mần trầu cũng vẫn tua tủa hoa, xưa cũ vẫn đâu đây.
Thương nhớ lắm!