Cải cách tiền lương góp phần hạn chế tiêu cực
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người làm việc theo hợp đồng. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, hiện nay tiền lương chưa phản ánh đúng chi phí, hiệu suất lao động của người làm công ăn lương.
PV: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, ông có thể nhận định về tính thời điểm của việc tăng lương, thưa ông?
GS.TS Hoàng Văn Cường: Lộ trình tăng lương cơ sở đã được Quốc hội đề cập tại Nghị quyết 86 năm 2019, trong đó dự kiến tăng từ 1/7/2020. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên hoãn tăng lương và chờ Đề án cải cách tiền lương. Đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát khá ổn định, tình hình kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Do đó cũng cần tính đến các yếu tố tạo ra cân bằng. Việc đề xuất của Bộ LĐTB&XH tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là hoàn toàn phù hợp. Nhất là vừa qua đời sống người dân đã gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị tăng lương từ 1/1/2023, thưa ông?
- Tháng 7 không bị tác động nhiều của các yếu tố mùa vụ. Nếu để tháng 1 năm 2023 mới tăng lương, sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ cuối năm như: Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, dẫn đến những yếu tố biến động về cung cầu, giá cả. Bởi vậy không nên tăng lương vào thời điểm tháng 1. Việc lựa chọn thời điểm tháng 7/2022 là hoàn toàn phù hợp. Đúng là khi tăng lương tối thiểu vùng thì cũng tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp (DN). Vì khi tăng lương thì các DN phải thay đổi hệ số trả lương tối thiểu để trả lương cho người lao động. Việc đó sẽ tăng thêm cấu thành về chi phí lao động trong giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho DN trong sử dụng lao động. Trong trường hợp này các DN phải làm sao nâng cao tình độ, năng suất của người lao động và sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị để không tăng việc sử dụng số lượng lao động. Thay vào đó là nâng cao chất lượng, năng suất lao động, hướng tới sử dụng lao động có trình độ cao. Theo tôi đó cũng là sức ép để DN phải nâng cao trình độ lao động.
Hiện, giá cả đang “té nước” theo giá xăng tăng rất nhanh. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng lương nhưng nhà quản lý cần có giải pháp để kìm được giá cả và lạm phát, nếu không việc tăng lương không có ý nghĩa?
- Hiện nay, tiền lương chưa phản ánh đúng chi phí, hiệu suất lao động của người làm công ăn lương. Và như vậy sẽ không phát huy được hết năng lực của người làm việc tích cực, người có trình độ, và có thể là nhân tố gây ra tiêu cực của cán bộ. Đề án cải cách tiền lương cần tính đến dần dần trả lương theo mức độ đóng góp cống hiến và hiệu quả làm việc. Điều đó sẽ giúp cho cán bộ phải chú tâm để làm sao làm việc tốt nhất, hoàn thành tốt vị trí, chức trách của mình để hưởng tiền lương xứng đáng.
Tăng lương có thể làm tăng thêm yếu tố để làm tăng lạm phát. Vì lương tăng thì lượng tiền tung ra nhiều hơn, sức mua tăng nên giá cả hàng hoá tăng theo. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ tăng lương làm tăng lượng tiền tung ra, mà việc giải ngân thực hiện chương trình phục hồi kinh tế thì lượng tiền đi vào nền kinh tế cũng nhiều hơn. Cho nên cần có các giải pháp để kiểm soát lạm phát, và không vì yếu tố e ngại lạm phát mà dừng chính sách tiền lương. Cần tiến hành song song lộ trình cải cách tiền lương với những giải pháp kiểm soát lạm phát.
Theo ông cần có giải pháp căn cơ nào để giúp cho người lao động có thể sống được bằng lương, bởi thực tế hiện nay lương chưa đảm bảo mức sống tối thiểu? Và thực tế, lương thấp cũng dẫn đến những hành vi tiêu cực?
- Tiền lương là chính sách cơ bản để chúng ta thúc đẩy người lao động sống được bằng lương. Khi sống được bằng lương, họ sẽ chú tâm hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình, phát huy cao nhất năng lực của mình, từ đó hạn chế yếu tố tiêu cực. Tôi cho rằng, cần phải song hành giữa thực hiện các biện pháp quản lý, kỷ luật nhưng cần có yếu tố đảm bảo cuộc sống đó là lương. Theo đó tiền lương phải phản ánh đúng hao phí lao động, cống hiến của người cán bộ và hiệu suất mà họ đem lại. Bởi vậy, cần thực hiện cải cách tiền lương để lương tương xứng với sự đóng góp cống hiến, hiệu quả của cán bộ đem lại khi đó họ sẽ chú tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không nghĩ đến tìm cách gây khó dễ người dân, DN để vòi vĩnh... như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khi tăng lương tối thiểu vùng thì cũng tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp (DN). Vì khi tăng lương thì các DN phải thay đổi hệ số trả lương tối thiểu để trả lương cho người lao động. Việc đó sẽ tăng thêm cấu thành về chi phí lao động trong giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho DN trong sử dụng lao động. Trong trường hợp này các DN phải làm sao nâng cao tình độ, năng suất của người lao động và sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị để không tăng việc sử dụng số lượng lao động.