Đối thoại và sự sẻ chia
Hôm qua (12/6), tại Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động. Đây là diễn đàn để công nhân lao động gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống. Cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lần này của Thủ tướng tiếp theo cuộc gặp gỡ, đối thoại với nông dân, ngày 29/5 vừa qua.
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng với công nhân, nhiều vấn đề sát sườn với đời sống đã được người lao động nêu lên và được Thủ tướng cùng một số vị bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp. Sau hơn 2 năm kiên trì, nỗ lực, tập trung nguồn lực chống đại dịch Covid-19, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để đặt vấn đề đời sống của công nhân nói riêng, người lao động nói chung, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao đời sống, tạo ra động lực mới hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công bố vào cuối tháng 4 năm nay, bình quân tiền lương của người lao động là 4,9 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, vì lý do lương thấp nên hơn 12% lao động phải thường xuyên đi vay để chi tiêu. Lương thấp cũng khiến hơn 54% lao động chưa dám lập gia đình… Cũng cần lưu ý, người lao động chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Tuy đời sống, việc làm của công nhân lao động đã được quan tâm nhưng nhiều vấn đề cấp bách vẫn kéo dài mà chưa được giải quyết thỏa đáng.
Còn theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nhu cầu tăng lương tại doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 3/2022 trên hơn 2.000 công nhân trong cả nước cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình công nhân rơi vào khó khăn, túng quẫn. Cũng có một nghịch lý là người lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 - 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Khảo sát cho biết có tới 72% không muốn con cái sau này theo nghề nghiệp của mình.
Nói như TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, với mức thu nhập như hiện nay thì cuộc sống của công nhân, người lao động bấp bênh. Ông Tiến cũng bày tỏ quan ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia bảo hiểm xã hội nhất, chính là người thu nhập thấp, người nghèo... thì lại không tham gia.
Bước vào thời kỳ “hậu Covid-19”, đời sống của công nhân, người lao động tiếp tục gặp khó khăn, quyền lợi của họ tại nhiều doanh nghiệp không được bảo đảm. Thông tin từ Liên đoàn Lao động TPHCM, năm 2021, thành phố xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể với 3.696 người. Đáng tiếc, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, những tháng đầu năm 2022 việc chấp hành đúng các quy định pháp luật lao động trên địa bàn thành phố có phần khó khăn. Tranh chấp lao động tập thể thường chủ yếu là do người sử dụng lao động vi phạm quyền lợi của người lao động. Trong khi đó người lao động lại không biết “gõ cửa” cơ quan nào dẫn đến ngừng việc tập thể, khiếu nại vượt cấp, tố cáo không đúng nơi giải quyết.
Trong những khó khăn ấy, cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng với công nhân chính là những sẻ chia đầy nhân ái của người đứng đầu Chính phủ, của Đảng, Nhà nước với người lao động. Có việc giải quyết được ngay, nhưng cũng có việc phải chờ đợi thêm thời gian vì không thể có phép màu nào thay đổi cuộc sống của hàng triệu người chỉ trong chốc lát. Tuy nhiên, qua những ý kiến của Thủ tướng, công nhân lao động hiểu được những quyết tâm, những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trên tinh thần chăm lo cho đời sống của người lao động. Nếu như trong đại dịch Covid-19, đất nước đã quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, thì nay tinh thần ấy, ý chí ấy lại tiếp tục khi mà Nhà nước cùng doanh nghiệp đều lo cho công nhân, người lao động. Vì rằng điều đó cũng chính là sự ưu việt của chế độ ta.