'Ghìm cương' lạm phát
Diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép lên mặt bằng giá. Cách nào để kiềm chế lạm phát đang là vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm.
Áp lực lạm phát có xu hướng tăng
Nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là, áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Ngoài ra, rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine tác động rất lớn với kinh tế Việt Nam.
Do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào khiến 5 tháng đầu năm 2022, CPI đã vượt qua mốc 2,25%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là dưới 4%. TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, từ giữa năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát, cả lạm phát chung của thế giới và tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam.
Theo khảo sát giá nhiều loại hàng hoá như dầu ăn, mì ăn liền, các loại gia vị, thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến sẵn đã tăng từ 3% - 5%. Nhiều tiểu thương cho biết, giá hàng hóa tăng do chi phí vận chuyển tăng dưới tác động các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ đầu năm. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 và tình hình chính trị tại một số nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nguồn cung nguyên nhiên liệu sản xuất bị ảnh hưởng, có thời điểm đứt gãy. Chi phí sản xuất vì vậy mà tăng cao.
Theo đại diện của Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2%; lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước như: phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng, giá xăng dầu, giá gas tăng so với trước đó.
Để bình ổn thị trường, trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính đã có các chỉ thị, công văn gửi các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường nhanh chóng, kịp thời kiểm soát lạm phát. Ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 50% - 70% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC; đồng thời sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Nhưng có điều đáng lo, xu hướng lạm phát ở các nước cũng đang tăng cao như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Điều này taọ sóng dội ngược lại nền kinh tế Việt Nam. Chưa kể, theo nhìn nhận của giới chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Đối với nước ta, giá xăng dầu càng tăng cao, thì càng gây khó khăn đối với nền kinh tế.
Để hạn chế mức tăng giá hàng hóa tiêu dùng, giảm áp lực cho người dân, theo các chuyên gia kinh tế, cần thiết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh để tình trạng khan hiếm xảy ra. Cùng với đó, cần có thêm biện pháp để hạn chế mức tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào. Đối với giá xăng dầu, cần tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát lại giá cơ sở trong giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá, góp phần tạo tâm lý tiêu dùng tích cực trong nhân dân.
Đề xuất một số biện pháp kiềm chế lạm phát
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh thực hiện các giải pháp Chính phủ chỉ đạo. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Nói về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược.
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Ngoài ra theo giới chuyên gia, cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Bộ Tài chính cũng đang dự kiến trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.