Hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển học bạ: Chất lượng đầu vào có được kiểm soát?
Mùa tuyển sinh năm nay, các trường tiếp tục dành hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ. Xu hướng xét tuyển này góp phần giảm áp lực cho thí sinh nhưng cũng đặt ra vấn đề về chất lượng.
Giảm áp lực thi cử
Những ngày này, các trường bắt đầu tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức xét tuyển học bạ. Theo ghi nhận, nhiều trường hiện có tới hàng nghìn bộ hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét tuyển này.
Khởi động tuyển sinh bằng học bạ từ tháng 6, Trường Đại học Giao thông vận tải dự kiến sẽ tuyển từ 20-40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này với những thí sinh có đủ kết quả học tập của 3 năm THPT.
Năm 2022, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh tổng 4.150 chỉ tiêu cơ sở Hà Nội, 1.470 chỉ tiêu cơ sở TP Hồ Chí Minh. Nhà trường đào tạo 31 ngành, trong đó có 10 chương trình tiên tiến, chất lượng cao và 2 chương trình liên kết quốc tế.
Từ đầu tháng 6, Trường Đại học Tài chính Ngân hàng tiếp tục xét tuyển theo phương thức xét học bạ đợt 2. Năm nay, trường dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh xét tuyển từ kết quả học tập THPT (xét học bạ) là thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm trung bình của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 (6 học kỳ) từ 18 điểm trở lên, trong đó môn Toán không nhỏ hơn 6,0 điểm.
Năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh 2.265 chỉ tiêu, tăng 265 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2021. Ông Nguyễn Triều Dương, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, với phương thức xét học bạ, trường xét tuyển 49% chỉ tiêu.
Trường xét theo kết quả học tập loại Giỏi của 5 học kỳ bậc THPT (theo học bạ). Trong đó, ưu tiên học sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu quốc gia/cấp tỉnh, trường trọng điểm quốc gia chất lượng cao (dự kiến sẽ cộng thêm 1 – 1,5 điểm vào tổng điểm xét tuyển).
Năm nay là năm thứ 3, Trường Đại học Thủy lợi dành chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển học bạ. Năm nay, trường dự kiến sẽ xét tuyển 5.000 chỉ tiêu bao gồm cơ sở chính Hà Nội và cơ sở tại Phân hiệu miền Nam – TP Hồ Chí Minh.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, Trường Đại học Thủy lợi xét tuyển dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển.
Em Nguyễn Khôi Nguyên, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Xét tuyển bằng học bạ đem đến cơ hội trúng tuyển đại học sớm. Nếu trúng tuyển, em cũng giảm bớt áp lực thi cử”.
Còn theo anh Nguyễn Hoàng Tú (quận Long Biên, Hà Nội), con trai anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Để tăng cơ hội trúng tuyển, 2 bố con vừa nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ. Anh Tú đánh giá, xét tuyển bằng học bạ là phương thức tiến bộ mở thêm cơ hội học tập cho học sinh.
Hệ thống lọc ảo hỗ trợ với tất cả phương thức xét tuyển
Xu hướng xét tuyển bằng học bạ góp phần giảm áp lực cho thí sinh nhưng cũng đặt ra vấn đề về chất lượng. Trước ý kiến lo ngại về chất lượng tuyển sinh, tính công bằng của phương thức xét tuyển học bạ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho hay, ông không đồng tình với quan điểm này.
Theo ông Thạch, với bậc THPT, qua mỗi bài kiểm tra, học sinh đã tự kiểm soát lẫn nhau. Năng lực của một học sinh trong lớp như thế nào, các em trong lớp đó đều nắm được. Như vậy, khó có tình huống giáo viên nâng điểm cho học sinh. Nên ông Thạch tin tưởng vào kết quả học bạ và chất lượng của phương thức tuyển sinh này.
“Tôi cũng nhấn mạnh rằng, năm nay, cho dù xét tuyển theo phương thức nào thì mục tiêu của các trường đều là tuyển chọn được những thí sinh có chất lượng đầu vào cao. Cùng với đó, Bộ GDĐT sẽ lọc ảo hỗ trợ các trường với tất cả phương thức xét tuyển không dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là điểm mới trong năm 2022 và điểm mới này có nhiều ưu điểm mà chúng ta có thể nhìn ra”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch cho biết thêm.
Liên quan tới phương thức xét tuyển học bạ, trong đợt xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp từ đầu tháng 6 của nhiều trường, có hiện tượng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển tạm thời và được trường đại học yêu cầu cam kết (theo hình trức trực tuyến) khi đăng ký nguyện vọng phải xếp nguyện vọng trúng tuyển tạm thời này ở mức ưu tiên cao nhất (nguyện vọng 1). Điều này khiến thí sinh lo lắng nếu cam kết hoặc không cam kết có ảnh hưởng tới cơ hội sau này hay không?
Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), hiện tượng trên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các em.
Bởi khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung, thí sinh hoàn toàn chủ động sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ ưu tiên của mình. Các trường xét tuyển sớm vẫn phải đưa danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến lên hệ thống để lọc ảo. Kết quả sau lọc ảo sẽ là nguyện vọng trúng tuyển có mức ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh.
Do đó, nếu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng trúng tuyển tạm thời là nguyện vọng 1 được thực hiện ở trường cũng không ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Cơ hội trúng tuyển phụ thuộc vào việc thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hay không; đồng thời các nguyện vọng này được xét tuyển trúng tuyển ở cơ sở đào tạo và nằm trong danh sách trúng tuyển do các trường đưa lên hệ thống để lọc ảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong quá trình xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, các trường không được phép yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo. Các trường chỉ có thể tư vấn, hướng dẫn thí sinh: Nếu có nguyện vọng, mong muốn nhập học tại trường thì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống phải đặt ở mức ưu tiên cao nhất.