Phú Yên là tỉnh đầu tiên tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW
Hội nghị diễn ra ngày 13/6, tại tỉnh Phú Yên dưới sự chủ trì của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 25-KL/TW và Chương trình hành động số 38-CT/TU của Tỉnh ủy trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu…, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW đề ra.
Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; kết cấu hạ tầng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có tiến bộ. Nội bộ đoàn kết nhất trí, sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, về cơ bản, Phú Yên có nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có những bước tiến đáng kể...
Đặc biệt, sau gần 20 năm triển khai Nghị quyết 39 - NQ/TW, tỉnh Phú Yên đã duy trì và tăng cường hợp tác phát triển các tỉnh trong khu vực tiểu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Nông) về hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, giới thiệu các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Phú Yên, tạo điều kiện huy động thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch duyên hải miền Trung-Tây Nguyên với 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Bình Định và Quảng Ngãi...).
Trên cơ sở các chương trình hợp tác, đã phối hợp đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông ngày được từng bước đầu tư cơ bản hoàn thiện, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt quanh năm, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án cơ chế chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, phấn đấu trở thành vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Báo cáo tổng kết của Phú Yên đã bám sát các nội dung Nghị quyết 39-NQ/TW và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo, đánh giá được việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết của cấp ủy; làm rõ kết quả đạt được sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết; chỉ ra 6 tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân; rút ra 5 bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh trong và ngoài nước; điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội và thách thức của địa phương, vùng; đề ra các quan điểm phát triển, mục tiêu, tầm nhìn của địa phương; đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp và 9 nhóm kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Phú Yên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Thứ nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh.
Thứ hai, Thực hiện tốt công tác giám sát phát triển kinh tế biển, trên cơ sở đó phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Phú Yên trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển với lợi thế khoảng 189 km bờ biển, với nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên đẹp (ghềnh Đá Đĩa, Hòn Yến, Vịnh Xuân). Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển…
Thứ ba, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn “dư địa” về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển.
Thứ tư, chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Yên là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào...
Thứ năm, bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Đối với một số kiến nghị của Phú Yên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để lựa chọn đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của tỉnh.