Căn cơ phòng, chống đuối nước
Thời gian qua, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở học sinh. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý trẻ em mùa nắng nóng, nhất là thời điểm học sinh nghỉ hè.
Chỉ trong tháng 5/2022, ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra 5 vụ đuối nước thương tâm. Phần lớn các vụ đuối nước xảy ra trong thời gian qua là do các em đi tắm ở biển, sông hồ, khe suối… thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện khẩn yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung tăng cường các công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Ông Đoàn Minh Thắng- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước xảy ra trên địa bàn. Trong khi, địa phương còn thiếu điều kiện, phương tiện tổ chức dạy bơi cho học sinh. Phần lớn các trường học và một số huyện chưa có bể bơi phục vụ việc dạy-học bơi. Chương trình học bơi theo hình thức tự chọn nhưng lại thiếu bể bơi nên cũng khó thực hiện.
Nhiều em nhỏ lại chưa ý thức được hậu quả của tai nạn đuối nước, đa phần các vụ đuối nước đều do các em tự ý đến các nơi ao hồ, sông suối, biển và nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để hoạt động, sinh hoạt cá nhân, dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm xảy ra.
Được biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 6 bể bơi trong trường học. Số giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ dạy bơi đa phần là giáo viên bộ môn thể dục đều hoàn thành chuyên đề bơi tại các trường đào tạo trước khi tuyển dụng. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo phải chủ động phối hợp với Tổ chức Huehelp triển khai dự án bơi trong nhà trường. Đến nay, có khoảng hơn 50% giáo viên thể dục của các trường học trực thuộc Phòng Giáo dục được tập huấn bơi và dạy kỹ năng bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh thông qua chương trình dự án của Huehelp.
Vẫn theo ông Thắng, tháng 5/2022, ngành Giáo dục tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1159/KH- SGDĐT tập trung chỉ đạo các trường học khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống đuối nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các nguồn lực bên ngoài trường học, các chương trình, dự án để bồi dưỡng giáo viên dạy bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh, nâng cao tỷ lệ học sinh biết bơi và tiến đến phổ cập bơi cho học sinh theo lộ trình từ cấp tiểu học trở lên. Khuyến khích các trường học chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức hợp pháp triển khai dạy bơi cho học sinh, đảm bảo khi học sinh ra trường đều biết bơi và có kỹ năng tồn tại trong môi trường nước. Về lâu dài, ngành Giáo dục đề xuất với UBND tỉnh có cơ chế xây dựng bể bơi phục vụ cho công tác dạy học bơi, phổ cập bơi cho học sinh theo hướng xây dựng bể bơi theo cụm trường học đảm bảo mỗi đơn vị cấp huyện có số lượng bể bơi đủ để tổ chức các hoạt động dạy bơi, học bơi… cho học sinh.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh, lồng ghép các hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè để giáo dục về ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước và các kỹ năng, biện pháp phòng tránh đuối nước khi vui chơi, sinh hoạt như: Sử dụng các đồ dùng bảo hộ khi đi bơi và tắm biển; không chơi gần sông, suối, ao hồ, các khu vực nước sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất,... Dạy các kỹ năng gọi cấp cứu khi thấy người bị tai nạn đuối nước.
Bên cạnh đó, thành lập các đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện thường xuyên nhắc nhở thiếu nhi không vui chơi những nơi nguy hiểm, không tự ý tắm ở biển, ao, hồ, sông, suối và sẵn sàng cứu nạn khi có tình huống tai nạn xảy ra…
Ở Việt Nam, với hệ thống ao hồ, sông ngòi chằng chịt, bờ biển dài thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Vì vậy, bên cạnh việc dạy trẻ bơi, người lớn cần ý thức giám sát và cảnh báo cho trẻ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ,...