Nhà báo - Nhà thơ Phạm Nguyễn Toan: Lãng mạn là động lực của sáng tạo
Nhà thơ Phạm Nguyễn Toan là Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes). Với anh, khi tổng biên tập một tạp chí tưởng khô khan, chỉ có “đất cát gạch ngói, chốt cọc, bán hàng..." là nhà thơ, sẽ làm cho mỗi bài báo, trang báo, tờ báo trở nên nhân văn, sinh động, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người.
“Tạp chí về bất động sản còn nói về những không gian sống, xu hướng sống, phong cách sống… với cách diễn đạt đầy lãng mạn, đầy chất thơ. Reatimes có hơn 30 cộng tác viên thường xuyên là các nhà văn, nhà thơ. “Sếp nào phong trào đấy” mà!”, nhà báo - nhà thơ Phạm Nguyễn Toan hóm hỉnh.
Nhớ lại chặng đường đến với thơ ca, nhà thơ Phạm Nguyễn Toan kể, anh học trường làng từ bé, sáng đến lớp chiều ra đồng. Đến cấp ba thấy khổ quá, anh “lăn ra cày” các bộ đề để mong đỗ đại học, thoát khỏi lũy tre làng, khi ấy thì chẳng có cảm xúc cho thơ ca.
Thời sinh viên, theo học báo chí ở Hà Nội, anh phải tự viết lách kiếm sống ngay từ năm nhất: “Viết từ phóng sự đến ý kiến bạn đọc và có cả… thơ. Thơ hồi ấy là cảm xúc tuổi mới lớn thôi, có chút nhớ làng, có chút lạ lẫm phố thị và cũng có chút rung động yêu đương. Không đùa đâu, hồi ấy nhuận bút thơ giúp tôi lo đủ khoản học phí đấy. Mà hình như hồi ấy, thơ được trọng và được giá hơn bây giờ”.
Phạm Nguyễn Toan nhớ lại: “Với tôi thơ như một người bạn, nơi gửi gắm, chia sẻ tâm sự của mình. Giống như khi vui hay buồn ta hay rủ bạn đi uống rượu tâm sự, tôi tâm sự với thơ… nếu các bạn tôi đều bận hoặc mình bận. Thơ cũng là phương tiện để tôi thể hiện tình yêu với con cái, gia đình, với quê hương, với những vùng đất tôi qua và cả với… một số người!”.
Khi nào cảm xúc đến, Phạm Nguyễn Toan ghi lại. Ngày còn trẻ, cũng có lúc cố “nặn” ra thơ để đăng báo kiếm nhuận bút và có niềm vui. Còn giờ, không trẻ nữa thì ngồi đợi thơ đến thì… mời vào. Anh chân thành nói, thơ anh viết, là những suy nghĩ, cảm xúc vụn vặt của riêng anh.
Bố của anh là bộ đội, mẹ là giáo viên, nhờ thế, Phạm Nguyễn Toan may mắn được tiếp xúc với nhiều sách báo. Học hết cấp 3, khi chọn trường đại học để thi, thấy bảo báo được tha hồ đi khắp nơi thế là anh chọn báo chí.
Làm báo được chục năm tính cả thời sinh viên, tiền nhuận bút tích cóp đủ mua con xe Future từ năm thứ 3, anh kể, cũng khoác ba lô đi khắp các miền, viết nhiều phóng sự: “Cũng may thời ấy chưa có báo điện tử, thế giới chưa “phẳng” như bây giờ nên viết cũng… dễ phóng bút”.
Sau thời gian đó, anh chuyển sang làm truyền thông doanh nghiệp, cũng được chục năm thì lại nhớ nghề, thế là quay lại. Từ lúc quay lại đến giờ, thấm thoắt cũng được 8 năm: “Làm việc gì cũng cần “cái đầu tỉnh táo và ý chí mạnh mẽ”!”.
Phạm Nguyễn Toan tâm sự: “Tuy nhiên tôi nghĩ, làm lãnh đạo báo thì cũng vẫn cần có một tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ. Lãng mạn là động lực của sáng tạo. Và tất nhiên, lúc nào cũng phải đặt trước mặt câu “Cơm áo không đùa với khách thơ” để tự răn mình!
Bạn tôi cũng hay hỏi: Ông nảy số nhanh thế thì làm thơ thế nào nhỉ? Tôi bảo: Một ngày có 24 giờ cơ mà. Có ai dành cả 24 giờ cho công việc đâu. Giống như trẻ con đến trường, mình làm sao để mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui thì cảm xúc sẽ đến. Thơ là cảm xúc vụt hiện, còn tiểu thuyết, truyện ngắn tốn thời gian lắm”.