Nhà thơ Giang Nam: ‘Quê hương’ một miền xanh thẳm

LÊ ĐỨC DƯƠNG 23/06/2022 05:58

Nhắc tới nhà thơ Giang Nam độc giả nhớ ngay đến bài thơ “Quê hương” nổi tiếng: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”. Bài thơ này đã đưa Giang Nam lên đỉnh cao của nền thơ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

Nhà thơ Giang Nam.

Năm nay ông tròn 93 tuổi (Giang Nam sinh năm 1929) mà tâm hồn vẫn xanh biếc niềm lạc quan cuộc sống. Bởi trong đời mình dù gặp nhiều những gian nan thác ghềnh nhưng cuối cùng nhà thơ cũng cập bến bờ may mắn hạnh phúc. Vì trên tất cả ông luôn có một quê hương yêu dấu bên mình.

Nhà thơ Giang Nam sinh ra và lớn lên bên dòng sông Dinh êm đềm xanh biếc rặng tre đôi bờ thuộc Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cậu bé Nguyễn Sung (tên thật của nhà thơ) rất hiền từ, có đôi phần nhút nhát. Giang Nam kể rằng những buổi chiều đi học trường làng về nếu không có người nhà ra đón, cậu gần như khóc khi chạy vùn vụt qua cánh đồng vắng vì sợ ma. Lớn lên từ miền đất êm đềm, thanh bình đó tạo cho Giang Nam tính cách rất hiền lành, nhân hậu, chừng mực.

Thấy con trai có khả năng học nên người cha vốn rất mê chữ nghĩa đã gửi ra Quy Nhơn cho học Thành Chung ở trường Quốc học. Nơi đây vốn được mệnh danh “đất võ trời văn” đã khơi gợi niềm yêu thích văn chương của chàng thanh niên đất Khánh Hòa. Bởi cùng thời điểm đó ở trường Quốc học Quy Nhơn có những đàn anh là những nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh... Sau này khi phải chọn một bút danh cho nghiệp thơ của mình, Nguyễn Sung đã lấy bút danh Giang Nam.

Đang học thì Nhật đảo chính Pháp và khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra Nguyễn Sung quyết định bỏ học về quê nhà. Ít lâu sau theo anh trai lên chiến khu Đá Bàn (Ninh Hòa, Khánh Hòa) theo kháng chiến. Giang Nam từng kể với tôi rằng, dù rất mê văn thơ tuy nhiên do sự học dang dở nên ngày đầu ở chiến khu ông phải rất chịu khó học tập các lớp đàn anh dạy viết văn, viết báo và làm thơ. Giai đoạn đầu khi tham gia làm báo ông viết một số truyện ngắn được đăng trên báo chí công khai từ năm 1955 - 1960 trong đó nổi tiếng là truyện ngắn “Vở kịch cô giáo”. Đây là một truyện phản ánh hiện thực thời kỳ Miền nam sau năm 1954 rất sinh động được đăng trong tuyển tập truyện ngắn Giải phóng.

Nhà thơ Giang Nam và vợ (ảnh chụp năm 2007).

Bài thơ “Quê hương” là điển hình cho sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Giang Nam. Mặc dù xuất phát từ cảm xúc cá nhân khi nghe hung tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở nhà tù Phú Lợi Sông Bé. Nhưng khi thể hiện thì Giang Nam lại rất sáng tạo có chất bay bổng mang tính khái quát về hình ảnh miền Nam thời chiến tranh. Ông kể nhiều lần về sự “sang chấn” khủng khiếp của mình về đêm thức trắng viết trọn “Quê hương” ở núi rừng chiến khu Hòn Dù (Khánh Hòa). May mắn thay, cuối năm 1961, khi đang ở căn cứ tại Củ Chi, ông bất ngờ biết vợ con vẫn còn sống, đã về quê tại Nha Trang sinh sống an toàn.

Có lẽ so với hai bài hao hao chủ đề về người phụ nữ mất và hy sinh trong thơ ca kháng chiến chống Pháp: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan và “Núi đôi” của Vũ Cao thì “Quê hương” đời hơn, mãnh liệt hơn nhiều: “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi!”. Hay: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Có nhiều nhà phê bình nói thơ của Giang Nam màu sắc nghệ thuật tương đối đơn giản, quả đúng vậy! Thể tạng tâm hồn của Giang Nam là thế. Nhưng với bài “Quê hương”, Giang Nam đã bùng nổ hoàn toàn khí chất của mình và đó là duy nhất trong đời thơ của ông. Giang Nam có bài thơ hiện thực rất ấn tượng được nhiều người nhớ “Nghe em vào đại học”.

Sau giải phóng miền Nam ông xin ở lại TP HCM để làm việc. Vì hơn ai hết ông rất thấu hiểu các văn nghệ sĩ miền Nam, vì có thời gian dài ông hoạt động văn nghệ ở Hội Văn nghệ giải phóng đóng miền Đông- Tây Nam bộ. Trong tài liệu ông cho xem vẫn còn lưu những hồ sơ, thư từ tâm sự của nhiều nhà văn miền Nam…

Nhưng rất tiếc ít lâu sau ông được điều động ra Hà Nội đảm nhiệm những chức vụ như Thường trực Hội Nhà văn, Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Rồi những năm tháng sau đó về quê hương làm Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ông thực sự là cán bộ nhân từ, có trước có sau. Người viết bài vẫn nhớ những năm tháng ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã Giang Nam xông xáo trên chiếc Lada nhỏ bé tham gia công việc to lớn của thời điểm tái lập tỉnh đầu thập niên 1990.

Cuộc đời cách mạng và thơ của Giang Nam phải nhắc tới một người ai cũng biết: bà Phạm Thị Chiều - người vợ tần tảo thủy chung nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất của nhà thơ. Vì là vợ nhà cách mạng lại là cán bộ bà Triều cùng con gái duy nhất của họ phải chịu gian khổ bị tù đày nhiều lần. Lấy nhau từ năm 1954 mà mãi tới đầu thập niên 1990 mới thực sự đoàn tụ. Họ chỉ có với nhau một người con gái. Ở đất Nha Trang có hai người phụ nữ nổi tiếng thành nhân vật thơ văn đó là bà vợ nhà cách mạng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Mai Dương trong tiểu thuyết “Chị Tư Hậu” của nhà văn Bùi Đức Ái và bà Chiều trong bài thơ “Quê hương”.

Nhiều người tới căn nhà biệt thự to đẹp của Giang Nam số 46 Yersin, TP Nha Trang cứ nghĩ đó là nhà tiêu chuẩn được cấp của nhà thơ. Nhưng không phải đấy chính do vợ ông tần tảo dành dụm mua sau giải phóng. Ngay cả việc khi ông làm “quan to” (Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa) hay một nhà thơ lớn của đất nước, là gia bảo của nền văn hóa Khánh Hòa thì bà Chiều vẫn thản nhiên bên những chum mắm to ở góc sân để muối những giọt nước mắm ngon bán cho mọi người vì bà vốn xuất thân từ làng mắm ở Cửa Bé, Vĩnh Trường, Nha Trang. Người “con gái nhà bên cười khúc khích” đã ra đi mãi mãi năm 2013 để cho ông nỗi cô đơn cuối đời vô bờ bến.

Có một điều làm công chúng yêu thơ và bạn bè vẫn băn khoăn là tại sao giờ này nhà thơ "Quê hương" vẫn chưa nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh? Bởi trong trang sử văn học luôn có câu “Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn… là những lá cờ đầu của thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ”. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ ngày đầu chống Pháp, suốt sau đó chống Mỹ ông ở lại chiến trường miền Nam tham gia hoạt động văn nghệ làm tới chức Phó Tổng thư ký Văn nghệ giải phóng, được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ…

Thế hệ ông đều đã ra đi chỉ còn ông. Nhà thơ Hoài Vũ - người từng làm việc, người bạn người em thân thiết thời “Vàm Cỏ Đông” bùi ngùi: “Nhà thơ Giang Nam xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho sự nghiệp thơ ca của mình”. Nhà văn Cao Duy Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa - người cùng làm việc với Giang Nam nhiều năm cũng trăn trở: “Tại Đại hội Nhà văn lần thứ 4, có ý kiến về việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Giang Nam nhưng không hiểu sao tới nay vẫn chưa được?” Họa sĩ Trần Hà – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa thì nói rằng: “Nhà thơ Giang Nam xứng đáng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng rất tiếc chính nhà thơ đã không làm hồ sơ cho mình”.

Với tình cảm của công chúng yêu thơ ca và bạn bè văn nghệ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị hai lần lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mới đây, đầu tháng 5 năm 2022 gửi Thủ tướng xin đặc cách trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam.

Bài thơ “Quê hương” là điển hình cho sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Giang Nam. Mặc dù xuất phát từ cảm xúc cá nhân khi nghe hung tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở nhà tù Phú Lợi Sông Bé. Nhưng khi thể hiện thì Giang Nam lại rất sáng tạo có chất bay bổng mang tính khái quát về hình ảnh miền Nam thời chiến tranh. Ông kể nhiều lần về sự “sang chấn” khủng khiếp của mình về đêm thức trắng viết trọn “Quê hương” ở núi rừng chiến khu Hòn Dù (Khánh Hòa). May mắn thay, cuối năm 1961, khi đang ở căn cứ tại Củ Chi, ông bất ngờ biết vợ con vẫn còn sống, đã về quê tại Nha Trang sinh sống an toàn.

LÊ ĐỨC DƯƠNG