Nhà văn Vân Thảo: Đời văn không lặng lẽ
Tôi “quen” với nhà văn Vân Thảo vào đầu thu năm 2018, khi ấy NXB Quân đội có tổ chức Trại sáng tác cho các nhà văn từng khoác áo lính. Thế là tôi được mời, chẳng gì tôi cũng có 18 năm quân ngũ với 10 năm làm lính biên giới. Sáng hôm khai mạc, nghe giới thiệu có nhà văn dự trại tên là Vân Thảo tôi chợt nghĩ thầm là “nữ văn sĩ”. Ấy vậy mà khi ban tổ chức mời nhà văn Vân Thảo đứng lên cho mọi người biết mặt thì tôi rất ngạc nhiên vì đó là một “cụ ông đã bảy mươi tư tuổi”. Thấy tôi ngơ ngác nên nhà văn Phùng Phương Quý vội nói “Cụ “Bí thư Tỉnh ủy” đấy”.
Mãi tới bữa cơm khai mạc tôi bèn mượn chén rượu để tới chào “cụ Bí thư Tỉnh ủy”, tôi cũng nói bằng câu nói kiểu như ta biết rồi: “Em chúc bác một chén rượu”. Nhà văn Vân Thảo gạt mái tóc dài trắng phơ phơ đang xòa bên má quay sang nhìn tôi vui vui: “Thường thì tớ chỉ uống rượu trước khi ăn cơm thôi. Uống đủ 3 chén nhỏ chứ không thêm. Và khi tớ đã ăn bát cơm rồi thì không uống nữa”. Nhưng bữa nay nhà văn Vân Thảo đổi ý: “Hôm nay khai mạc trại nên tớ phá lệ. Nào chúc cánh ta lần này dự trại thành công”. Nói thế nhưng lão nhà văn chỉ nâng chén lên chứ đâu có uống, tôi nghĩ thầm: “Đúng là tinh thần bộ đội: Cơm ba bát. Hát ba bài và rượu thì đã nói rồi, uống xong ba chén thì ăn cơm”.
Vậy là chúng tôi quen nhau, khi quen kha khá rồi tôi mới biết biệt danh “Bí thư Tỉnh ủy” gắn với ông là vì ông năm 2010 đã viết tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy”, cuốn tiểu thuyết viết về ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, người nổi tiếng vì đã dám mạnh dạn “phá rào” đưa khoán hộ vào sản xuất nông nghiệp. Cuốn tiểu thuyết và cuộc đời làm lãnh đạo của Bí thư Kim Ngọc cũng nhanh chóng được chuyển thành bộ phim truyền hình phát nhiều kỳ trên sóng VTV1. Lại thêm một lần văn lực của lão nhà văn cao tuổi Vân Thảo được mọi người trầm trồ thán phục bởi kịch bản dài những 50 tập ấy cũng do ông viết.
Nhà văn Vân Thảo kể cho tôi hay: Cuối năm 1966, anh trợ lý Phòng văn nghệ quân đội tên là Vân Thảo, được dự hội nghị học tập nghị quyết, trong hội nghị ấy anh được nghe phổ biến là hiện nay có một đồng chí là lãnh đạo cao nhất ở một tỉnh trung du đang đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ... Nghe phổ biến vậy anh sĩ quan trẻ suy nghĩ rất lâu. Anh nghĩ rằng “mình phải viết một cái gì đó về nhân vật kỳ lạ này”.
Chuyện nghe được như thế, ý nghĩ sẽ viết là như thế, vậy mà phải hơn bốn mươi năm sau “Bí thư Tỉnh uỷ” mới được trình làng. Giải thích về sự chậm trễ này nhà văn Vân Thảo cho hay “Cũng phải chờ thời điểm thích hợp chứ”. Thời điểm thích hợp như lão nhà văn đã nói ấy là khi suy nghĩ và hành động của đồng chí Kim Ngọc được chính thức công nhận (Năm 2009, ông Kim Ngọc được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh).
Có bữa ngồi ăn cơm cùng mâm tôi vui miệng đùa: “Bút danh của bác làm em lúc đầu cứ mừng mừng vì ngỡ gặp được cô em vừa xinh vừa đẹp”. Nhà văn Vân Thảo nheo mắt đùa lại: “Thì tên thật của tớ cũng giống tên con gái mà”. Thì ra lão nhà văn này có tên là Phạm Thảo Nguyên, ngay từ hồi nhỏ cậu bé Thảo Nguyên đã quen với những bộ quân phục vì có cha là sĩ quan quân đội, tháng 8 năm 1945 ông cụ dẫn quân của mình tham gia cướp chính quyền cùng nhân dân vùng Hướng Hóa miền tây Quảng Trị. Rồi ông cụ trở thành Đại đội trưởng Vệ quốc đoàn chiến đấu mấy năm dòng nơi chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa” và hy sinh năm 1949. Chắc vì những điều đó mà năm 1952 khi mới 16 tuổi cậu Thảo Nguyên trốn nhà lên Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) đi bộ đội.
Sau khi tập kết ra Bắc chàng chiến sĩ Phạm Thảo Nguyên bén duyên với văn nghệ. Đầu tiên là anh trở thành diễn viên thanh nhạc của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vào năm 1957. Những tưởng “nghiệp ca sĩ” sẽ theo mãi nhưng rồi 7 năm sau “bỗng một ngày đẹp giời” anh “lính hát” Thảo Nguyên được mời tham gia viết kịch bản, viết lời và chính anh trực tiếp hát những lời ca của mình trong bộ phim nhạc vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, đây cũng là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hình như từ đây nghiệp đàn ca sáo nhị có sự dần “chuyển” sang nghiệp văn chương chữ nghĩa.
Nhưng phải đợi đến năm 1974 khi truyện ngắn đầu tay “Con chim trắng” ra đời mới mở ra giai đoạn sáng tác văn học của nhà văn sau này. Tiếp đó là cuốn tiểu thuyết “Những người báo bão” viết năm 1975, được in năm 1983 với số lượng “có nằm mơ cũng không dám nghĩ”, nó được phát hành với 130.000 bản sách. Và tiểu thuyết thứ 2 là “Đêm màu tím” được in năm 1987 cũng với số lượng “trong mơ” là 132.000 bản sách. “Cực khủng - Tôi vội thốt lên - Thảo nào em nghe đồn “Bí thư Tỉnh ủy” nhuận bút cả tiểu thuyết (được in 3 lần với 7.000 bản) lẫn kịch bản phim “cụ” nhận tới vài trăm triệu. Đấy là em còn chưa tính tiền giải thưởng “Cánh diều Vàng” dành cho tác giả kịch bản”. Nhà văn Vân Thảo lại nheo mắt cười.
Nhà văn Vân Thảo chưa trả lời cho tôi hay bút danh “Vân Thảo” ra đời từ khi nào nhưng tôi đoán bút danh ấy có từ khi anh trợ lý văn hoá văn nghệ của Binh chủng Đặc công “ào ào” viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết. Dạo trước những người cầm bút thường ít dùng tên thật mà thường ký bút danh cho nó hợp với thời cuộc, nhất là với những người viết là bộ đội.
Bút danh “Vân Thảo” vừa giữ được chữ “Thảo” trong tên thật Phạm Thảo Nguyên lại vừa thể hiện ước muốn riêng, vì quê ông ở huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, miền đất chang chang nắng cát với gió Lào rào rào hơi nóng. “Vân” có nghĩa là mây nên tôi đoán bút danh “Vân Thảo” có thể hiểu là “Mây hiền”, hình như nhà văn trẻ lúc đó ước mình là đám mây hiền che đi nắng lửa quê nhà?
Trong nghiệp của mình nhà văn Vân Thảo đã có những bước “chuyển” mà mỗi bước đều nhận được những đánh giá tích cực. Đầu tiên như đã nói là “chuyển” từ văn nghệ sang văn chương. Rồi đề tài sáng tác nữa, ban đầu là ông viết về những người chiến sĩ đặc công, chiến sĩ biệt động chiến đấu mưu trí sang đề tài viết về nông nghiệp nông thôn. Đến dự Trại sáng tác Đại Lải lần ấy nhà văn Vân Thảo dự định sẽ hoàn thành tiểu thuyết “Gối lên đầu sóng”, cuốn tiểu thuyết thứ 7 của ông.
“Nhưng cụ lại “có duyên” với phim truyền hình” - Tôi nói góp - “Đặc biệt là hợp với phim có đề tài nông thôn nông nghiệp”. Nghe nói vậy mà nhà văn Vân Thảo cũng không trả lời. Mà trả lời sao nhỉ? Nói “ừ” thì sợ người ta nói mình không khiêm tốn. Mà nói “không” thì e người ta lại trách mình khiêm tốn quá. Chẳng thà cứ như không nghe thấy thì hơn. Cứ cần mẫn gõ chữ trên máy tính xem ra còn được việc.
Từ mới đầu là tham gia viết một phần kịch bản bộ phim nhựa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, nhà văn Vân Thảo tiến tới viết toàn bộ kịch bản cho bộ phim “Những chiến sĩ thầm lặng” nhưng cũng phải “đợi” đúng 20 năm sau ông mới viết. Rồi lại phải “chờ thêm” 8 năm nữa khi bộ phim truyền hình “Ngọn sóng đầu đời” được sản xuất và được ví như là “phát súng mở màn” cho loạt 5 bộ phim truyền hình do ông viết kịch bản. Sự “chuyển” từ viết văn xuôi sang viết kịch bản phim truyền hình thêm một lần cho thấy “khả năng dồi dào” của lão nhà văn ở tuổi “cổ lai hy” này. Tôi có cảm tưởng như ông chưa muốn dừng lại.