Trở lại Sin Suối Hồ
Hơn 5 năm tôi mới trở lại Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Giờ đây Sin Suối Hồ đã trở thành một điểm đến nổi tiếng với du khách và cũng là nơi trồng địa lan đem lại nguồn lợi kinh tế cho một xã nơi địa đầu phía Tây của Tổ quốc.
Xe lên tới đầu dốc thì rẽ phải. Tôi lấy làm lạ bởi vì giữa núi non điệp trùng lại có một vị trí không chỉ rộng rãi cỡ một sân bóng đá và khá bằng phẳng. Nay vị trí này là trung tâm hành chính của xã Sin Suối Hồ với trụ sở chính quyền và khối trường phổ thông. Ông Tẩn Vần Hin, sinh năm 1975, cán bộ xã giới thiệu: “Đây trước kia là một sân bay dã chiến của Pháp”.
Ông Tẩn Vần Hin cho biết thêm: “Tên Sin Suối Hồ có nghĩa là suối có vàng đấy!”. Quả thực cái tên “Sin Suối Hồ” giờ đã vang danh cả nước. Trong câu chuyện vui giữa mây bay và gió lộng, ông Tẩn Vần Hin nhớ lại, như nhiều bản vùng cao khác ở tỉnh Lai Châu, trước thập niên 90, bản người Mông Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ từng được biết đến là thánh địa cây thuốc phiện. Nhà nhà trồng thuốc phiện, dẫn đến hơn 80% người dân ở bản nghiện thuốc phiện, kéo theo nhiều hệ lụy như đói nghèo, lạc hậu.
Giờ thì chuyện buồn đó đã lui vào quá khứ, Sin Suối Hồ đang thay da đổi thịt từng ngày. Giờ địa danh Sin Suối Hồ đã là một điểm đến nổi tiếng của tỉnh Lai Châu, cùng với đó là câu chuyện trồng hoa địa lan đem lại nguồn lợi kinh tế, nguồn lợi xã hội cho xã nơi địa đầu phía Tây của Tổ quốc.
Rồi Tẩn Vần Hin háo hức khoe: “Từ thành phố Lai Châu lên Sin Suối Hồ chỉ dưới 30km, con đường đường 4D đã được nâng cấp và trải nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi. Đường nối các bản trong xã và đường đi lối lại trong bản hiện đã được bê tông hóa nên khá thuận trong mọi điều kiện thời tiết”.
Giờ được gặp Trưởng bản Vàng A Chỉnh, tôi cứ ngỡ là sẽ có dịp nói chuyện dài dài nhưng chưa xong chén nước, chưa kịp làm “pô” ảnh thì đã vội bắt máy nghe điện thoại. Sau mấy câu vội vàng thì Vàng A Chỉnh đã đứng dậy: “Cháu xin phép các chú”, rồi lại nhanh chân ra ngõ. Thấy tôi dường như chưa hiểu, cậu Vàng A Tủa là con trai của Vàng A Chỉnh đã nhanh nhảu giải thích: “Mai là thứ bảy mà bác nên khách lên đây rất đông. Tối nay các bác ở lại để mai đi chợ, sẽ thú vị lắm”.
Chúng tôi quyết định không quay về thành phố Lai Châu mà ngủ lại homestay của gia đình ông Hảng A Xà, nơi Vàng A Tủa gợi ý. Hảng A Xà cũng sinh năm 1975, vốn là một người có uy tín và có “chức sắc” trong cộng đồng. Sự cuốn hút toát ra từ gương mặt cho tới giọng nói truyền cảm của Hảng A Xà đã giúp chúng tôi cảm thấy dễ chịu, nên tôi hỏi: “Vậy bí quyết làm giàu của anh Xà là gì?”. Hảng A Xà cười tủm tỉm: “Làm du lịch cộng đồng và trồng địa lan thôi”. Nghe thi dễ nhưng hóa ra không đơn giản chút nào.
Nhờ có vốn tiếng Anh kha khá nên Hảng A Xà lên mạng “mày mò” tìm cách “thoát nghèo”. Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế nhưng chưa được khai thác nên Hảng A Xà quyết định tự mình sẽ làm trước. Vậy là sau một thời gian nhen nhóm, đến cuối năm 2011 Hảng A Xà bắt tay vào làm homestay. Tôi đưa mắt nhìn quanh thấy bề ngoài thì homestay của Hảng A Xà không có gì đặc biệt, nó vẫn là “ngôi nhà Mông” thông thường như bao ngôi nhà Mông ở Sin Suối Hồ, chỉ khác đôi chút là chủ nhân đã cải tạo nâng cấp.
Hảng A Xà cười: “Bắt đầu từ chuyện là mình phải thay đổi tư duy của chính mình trước. Và tiếp nữa là hội nhập”. Nói hay quá. “Thay đổi tư duy và hội nhập” khái niệm này không hẳn mới nhưng không dễ bởi những thói quen ăn sâu bao đời.
Hóa ra việc “thay đổi tư duy” như Hảng A Xà nói đơn giản là thay đổi nếp nghĩ và hành động. Muốn làm giàu từ du lịch cộng đồng thì việc trước tiên là “cải tạo”. Đó là cải tạo ngôi nhà truyền thống Mông thành những homestay. Và quan trọng nhất như Hảng A Xà nói thì đó là “cải tạo môi trường”. Một môi trường du lịch tốt là một môi trường lành mạnh, trong sạch và đáp ứng nhu cầu của khách. Thế là ngôi nhà của Hảng A Xà được sắp xếp lại gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ.
Tôi đảo mắt nhìn, kia là những chiếc giường gỗ mới với những chiếc màn tuyn màu hồng nhạt. Còn kia là bộ bàn ghế do chính tay Hảng A Xà đục đẽo từ những gốc cây cổ thụ. Và kia là khu vườn nhỏ xanh mát trước nhà. Khu vệ sinh sạch bong, chậu rửa men sứ sáng bóng, bình tắm nóng lạnh với vòi hoa sen phun nước tựa một cơn mưa sảng khoái.
Hảng A Xà đã cho ốp bao quanh tường những viên gạch lát mang hình thù như những viên đá mộc mạc. Cách tạo dáng khiến cho du khách bước vào như thấy mình được đứng giữa một hốc (hang) đá nhỏ. Tạo vẻ cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Thiên nhiên và tự nhiên chính là điều khách du lịch tìm đến nghỉ ngơi.
Nghỉ trong các homestay ở Sin Suối Hồ du khách được tham gia vào những công việc của gia chủ như: Lên nương chăm lúa. Vào rừng thu lượm rau củ. Xuống suối bắt cá… Rồi tới bữa ăn lại cùng gia chủ cùng nhau làm các món ăn người Mông. Thực là vui vẻ, ấm cúng và thân gần.
Một đêm ngủ homesay quả thật dễ chịu nên mới sớm mù sương tôi đã vội dậy để giục nhau đi chợ phiên. Theo con đường bê tông dẫn từ đầu bản mà dọc hai bên đường chốc chốc tôi lại thấy những chiếc giỏ (gùi) xinh xinh treo ngang tầm tay ở các thân cây. Hỏi ra mới hay đó là những chiếc giỏ đựng rác. Lại là vấn đề bảo vệ môi trường như Hảng A Xà đã nói.
Chợ Sin Suối Hồ nằm ở một sườn núi khá thông thoáng, dưới tán những cây cổ thụ và họp phiên vào sáng thứ 7 hàng tuần. Người trong bản, trong xã và các thôn bản lân cận đem hàng hoá tới chợ. Điều ngạc nhiên và tạo cảm hứng đan xen là chợ phiên Sin Suối Hồ ở ngay cạnh Nhà văn hoá bản Sin Suối Hồ. Đó là một ngôi gạch xây, nhà mái lợp tôn.
Trong nhà văn hoá ngoài gian chính rộng rãi làm nơi sinh hoạt công đồng ra còn có các gian để trưng bày như: Gian trưng bày trang phục Mông, gian giới thiệu công cụ sản xuất và gian đặt các sản vật truyền thống của người Mông Sin Suối Hồ. Dạo qua một lượt cứ ngỡ đang tham quan một bảo tàng vậy.
Theo Vàng A Tủa, cậu sáng nay tới nhà Hảng A Xà rất sớm và dẫn chúng tôi thăm chợ, thì ra trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ, bà con phải xuống tận chợ Mường So hoặc sang chợ San Thàng, chợ nào cũng cách khoảng 20 - 30 km.
Từ năm 2014, khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tụ họp bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương. Để có mặt bằng xây dựng chợ, chính cha cậu là Trưởng bản Sin Suối Hồ đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để quy hoạch thành chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ. Ngày đầu chợ chỉ có 5 đến 7 chiếc lán nhỏ, nhưng đến nay, bà con đã mở rộng tới cả trăm gian hàng.
Nhà văn hóa bản cũng được xây dựng vào năm đó, theo dạng nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân hiến đất, góp công. Vàng A Tủa cho biết: “Ban đầu Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng nhận thấy nhu cầu của khách du lịch và cũng từ nhận thức cần phải giữ gìn những gì là tinh hoa của mình nên bà con trong bản đã góp vào khu vực trưng bày những hiện vật”.
Cái hay và trân trọng nhất là người dân Sin Suối Hồ biết thay đổi tư duy, biết đoàn kết cùng nhau và biết lưu giữ những giá trị của chính mình.