Bóng đá nữ Việt Nam khẳng định vị thế
Bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển và khẳng định vị thế. Sau khi tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành vé dự vòng chung kết World Cup nữ 2023, thầy trò HLV Mai Đức Chung tiếp tục tạo dấu ấn khi bảo vệ thành công lần thứ 7 "ngôi hậu" tại SEA Games 31, trong đó có 3 lần liên tiếp, đem lại niềm tự hào, hạnh phúc cho hàng triệu cổ động viên và tiếp tục duy trì xếp hạng 32 trên thế giới. Với những thành tích đó, những "cô gái kim cương" tiếp tục được mời sang Pháp đá giao hữu đầu tháng 7 tới.
Nối tiếp thành công
Thành công của bóng đá nữ Việt Nam suốt thời gian qua đã cho thấy nó đến từ ý chí và sự đoàn kết của cả tập thể và đó sẽ vẫn là sức mạnh mà tuyển nữ Việt Nam duy trì hướng tới những thành công tiếp theo.
"Tôi là nam giới vinh dự được huấn luyện các bạn. Nhờ các bạn đã tạo nên tên tuổi cho tôi. Thành công này là thành công tập thể của đội tuyển, thành công của một tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau. Tôi luôn nhắc nhở về tinh thần này trong đội và các bạn chấp hành tốt. Nếu trong tập thể không có sự đoàn kết nhất trí sẽ không làm nên chuyện gì. Đó là điều nổi bật nhất trong Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia”, HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Tiền đạo Huỳnh Như cũng đồng quan điểm với ông thầy của mình khi cho biết: “Trong suốt cả thời gian qua, sự đoàn kết của toàn đội đóng vai trò rất quan trọng. Bác Chung vừa là người thầy, vừa là người ba trong gia đình. Ngoài tập luyện, bác dạy chúng tôi cách sống và tình cảm giữa thầy trò, đồng đội với nhau. Điều này tạo nên sức mạnh như trong một gia đình, sự đoàn kết cao, khiến tất cả chúng tôi thi đấu với tinh thần rất cao. Mỗi khi có người đau ốm, chúng tôi đều hỗ trợ. Gần như không có cãi vã trên sân”.
Bóng đá nữ Việt Nam đã chứng minh họ có thể yếu về thể lực, nhỏ hơn về thể hình. Nhưng luôn mang trong mình dòng máu nhiệt huyết, chiến đấu bằng tinh thần của chiến binh, trung thành với giấc mơ cả đời của mình. Đó là lý do bóng đá nữ phát triển hơn rất nhiều so với sự đầu tư cơ bản.
Không dạo chơi
Để có được tấm vé tham dự World Cup là công sức của biết bao mồ hôi, biết bao thế hệ cầu thủ bóng đá nữ đã góp sức. Đây là sân chơi rất lớn với các đối thủ hàng đầu thế giới. Bóng đá nữ Việt Nam mặc dù 7 lần vô địch SEA Games nhưng cũng chỉ chiến thắng sát nút các đối thủ trong khu vực. Chính bởi vậy, điều đầu tiên tuyển nữ Việt Nam cần chính là bỏ lại mọi áp lực và hãy tận hưởng không khí ở sân chơi lớn nhất là World Cup. Tuyển nữ Việt Nam tham dự World Cup – giấc mơ đã trở thành hiện thực. Nhưng công tác chuẩn bị cho sân chơi lớn nhất đời người, làm sao để tuyển nữ Việt Nam không giống một số đội tuyển khác đến World Cup chỉ để dạo chơi, xem đội bạn thể hiện mà thật sự giành được kết quả nào đó đúng với sức lực, kỳ vọng của cả đội bóng lẫn người hâm mộ là điều mà nhiều người đang rất quan tâm lúc này.
"Đội tuyển nữ được mời sang Pháp đá giao hữu. Chuyến đi bắt đầu từ ngày 1/7. Đây là lần đầu tiên một nền bóng đá mạnh ở châu Âu chủ động gửi lời mời. Đây sẽ là chuyến đi bổ ích để chúng ta hướng tới World Cup nữ 2023", quyền Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn vui mừng thông báo. “Chúng ta đến World Cup không phải để chơi, dù trình độ bóng đá nữ của chúng ta có phần hạn chế so với châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Triều Tiên…, so với thế giới, khoảng cách càng xa. Nhưng chúng ta sẽ vào để chiến đấu với tinh thần cao nhất”, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết.
“Quan trọng nhất đội tuyển nữ vào World Cup là phải đá hết mình, và không tự tạo áp lực cho mình. Nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về đội tuyển nữ thôi cũng đã tạo áp lực cho đội tuyển. Bởi vì chúng ta vào đó đều là đối đầu với những đội tuyển không phải bình thường. Chúng ta phải đá hết mình, để tạo nên tinh thần Việt. Bởi vì các đội tuyển vào đó đều chưa lộ diện. Chúng tôi cũng tạo điều kiện hết khả năng của một cơ quan quản lý của Nhà nước để cho đội nữ có thể làm được một điều gì đó”, ông Phấn chia sẻ thêm.
Cũng với quan điểm không phải đến World Cup để dạo chơi, tiền đạo Huỳnh Như thẳng thắn chia sẻ: “Khi giành được tấm vé dự World Cup, thực sự em cảm thấy rất hạnh phúc. Vậy là ước mơ từ thuở nhỏ, từ khi bắt đầu được chơi đá bóng, đã trở thành hiện thực. Trong cuộc đời làm cầu thủ của em, đó là giây phút tuyệt vời nhất, sẽ không bao giờ em quên được cảm giác đó”. Sau những thành công thời gian qua, bóng đá nữ Việt Nam cần tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn, các chiến lược đầu tư trọng tâm trọng điểm, các điều kiện luyện tập hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông.
Tìm hướng phát triển bền vững
Một điều có thể nhìn thấy rõ ràng, về mặt kỹ thuật tuyển nữ Việt Nam nói riêng và bóng đá nữ Việt Nam nói chung đang từng bước có thể tiệm cận được với các đàn chị ở châu Á, nhưng thể hình, thể lực thì chắc chắn còn thua rất xa với những đối thủ ở sân chơi World Cup. Phải có một kế hoạch về dinh dưỡng thực sự có tính kế thừa, phải tích lũy từ bây giờ chứ ko phải đợi tới gần World Cup chính là điều phải làm nếu muốn tới sân chơi World Cup để thi đấu sòng phẳng. So với các đối thủ tại ngay châu lục, chúng ta vẫn còn nhỏ bé về thể hình, thua kém về thể lực.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu để khởi sắc. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để bước vào các đấu trường cấp cao hơn, như Đại hội Thể thao Đông Nam Á và World Cup. Do đó, trong chiến lược phát triển lâu dài, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sự phát triển chung của các đội tuyển bóng đá, trong đó có bóng đá nữ. Chúng ta cũng cần phải tập trung vào phát triển nguồn cầu thủ trẻ cho bóng đá nữ. Sắp tới đây, chúng ta sẽ tập trung vào việc đào tạo bài bản hơn để nâng tầm bóng đá nữ để lâu dài chúng ta có thể cạnh tranh ở sân chơi châu lục.
“Tôi cho rằng, chúng ta vào World Cup, một sân chơi chưa từng chơi, chúng ta cũng cần thận trọng trong từng bước đi. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải đá hết mình, vì sân chơi toàn ông lớn, chỉ trong châu lục thôi đã có 5 ông lớn, đều là những đội mạnh kể cả trong World Cup, Olympic và châu lục. Chúng ta về thành tích còn rất hạn chế. Chúng ta đá với Thái Lan, Myanmar, Philippines đều chưa thể vượt trội họ. Nhưng chúng ta có đấu pháp, có chiến thuật hợp lý, có tinh thần và nghị lực phi thường của các vận động viên cho nên chúng ta đã chiến thắng họ. Nhưng đối với sân chơi châu Á, chúng ta chưa thể so được. Đó là ở châu Á còn chưa thấy xuất hiện các quốc gia Trung Đông.
Trong tương lai tôi nghĩ sẽ có bóng đá nữ của các quốc gia đó, và họ có điều kiện đầu tư thể hình, thể lực rất tốt. Cho nên chúng ta cũng phải nâng tầm mình lên, phải tấn công vào đấu trường châu lục tất cả các môn thể thao. Đến một giai đoạn nào đó, bóng đá sẽ có thành tích”, ông Phấn chia sẻ.
Bóng đá nữ Việt Nam nói chung, các cầu thủ nữ về cơ bản đều có xuất phát điểm gia đình rất nghèo. Chương Thị Kiều khi mà về nhà vẫn xắn tay vào làm công việc gia đình. Có cầu thủ còn đi ra ruộng gặt lúa. Huỳnh Như có một cửa hàng nho nhỏ để bán dừa, dừa Cô Chín. Có nhiều cầu thủ bây giờ, thậm chí là cầu thủ quốc gia, vẫn bán giày online... Đó là những công việc không phải mọi người làm để vui, mà để trang trải cuộc sống, tìm kiếm mưu sinh, vì lương của cầu thủ nữ bây giờ thấp chỉ ở mức lương 5 triệu đến 10 triệu đồng là nhiều.
Do đó, để tiết kiệm và có một khoản gửi về cho gia đình làm sổ tiết kiệm, hay là xây nhà, mua nhà thì rất khó. Chỉ có một bộ phận nữ cầu thủ khi thi đấu xuất sắc, được lên tuyển, mới có thể có cơ hội ổn định hơn nhờ mức lương mới cao hơn cùng những khoản thưởng từ nhiều nguồn sau những thành công. Đó cũng chính là rào cản lớn từ phía nhiều gia đình khi không muốn cho con gái mình đi đá bóng dù họ có khả năng và đam mê. Chính bởi vậy, nếu như bây giờ được đầu tư tốt hơn thì các em sẽ có thể đi được những chặng đường dài hơn.