Lỗi ở con người

Bắc Phong 15/06/2022 00:18

Trong vòng 20 ngày trở lại đây, Hà Nội hứng 3 trận mưa. Đó là các trận mưa ngày 23/5, chiều tối ngày 29/5 và tối ngày 13/6. Cả 3 trận mưa đều khiến vùng nội thành và cả khu vực vành đai 3, một số khu đô thị mới ngập nước. Cao điểm mùa mưa đang đến gần lại càng khiến nỗi lo ngập nước của người Hà Nội lớn dần hơn.

Đã nhiều năm qua, Hà Nội cứ mưa to là ngập, thật là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng buồn một nỗi là nói mãi nhưng vẫn không chuyển, trong khi công ty thoát nước năm nào cũng nói đã “giải thoát” được khá nhiều điểm đen úng ngập. Xin được điểm lại một số trận ngập lụt “điển hình” do mưa tại Hà Nội. Dữ dội nhất là đợt mưa bắt đầu từ đêm 30/10/2008, gây ra một trận lụt lịch sử ở Hà Nội, cả nội thành lẫn ngoại thành. Lượng mưa lên tới 420 mm, vượt mức kỉ lục 1984 là 394 mm.

Với đợt mưa đó, nội thành có tới 26 điểm bị ngập úng dài từ 100 – 300 mét, sâu trên dưới 1 mét. Mưa lớn đã gây ngập úng nhiều trạm biến thế và đường dây, mất điện tại hàng loạt khu phố. Do mưa kéo dài, cho đến 6 giờ ngày 3/11/2008, Hà Nội có tới 63 điểm ngập úng nặng. Hẳn nhiều người chưa quên sáng ngày 31/10, dân cư và bảo vệ toà nhà C6, khu đô thị Mỹ Đình 1 đã phải chạy nước vì tầng hầm của tòa nhà có khoảng 100 chiếc xe máy và gần 20 ô tô bị chìm trong nước.

Ngày 22/9/2015, lượng mưa trung bình 100mm. Vậy nhưng nhiều tuyến đường như Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc) đã ngập sâu nửa mét với chiều dài chừng 1km. Các phương tiện buộc phải đi vòng đường đê Long Biên - Bát Tràng để sang trung tâm thành phố, khiến con đường này ùn tắc. Nhiều khu vực trũng, nước tràn vào nhà, người dân phải sơ tán đồ đạc tránh ngập cả đêm.

Ngày 11/5/2021, buổi chiều mưa giông xuất hiện ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh sau đó trút nước xuống các quận nội thành. Nhiều tuyến đường biến thành sông, đỉnh điểm là ở Hoa Bằng (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Tràng Tiền (Hoàn Kiếm). Nhiều tuyến phố như Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Phan Văn Trường, Tông Đản, Thái Hà… cũng ngập sâu.

Nguyên nhân vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập đã được phân tích, mổ xẻ rất kỹ lưỡng, ở đây không đề cập tiếp mà chỉ xin nêu vấn đề: Phải chăng hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội không được đầu tư nên gây ngập cho thành phố? Câu trả lời không phải như vậy. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thì để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thoát nước. Đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.

Cụ thể: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.

Như vậy cũng có thể coi là đã đầu tư khá hoành tráng, nhưng ngập thì vẫn cứ ngập. Vậy thì cần bao nhiêu tiền nữa đây, bao nhiêu dự án tiêu thoát nước nữa đây để Hà Nội hết ngập?

Trong bộn bề lo toan của cuộc sống hàng ngày, đã nhiều năm qua cứ một trận mưa to là người Hà Nội lại sợ bị ngập nước. Không lẽ nỗi lo ấy như cơn ác mộng kéo dài không dứt? Đã đến lúc cơ quan chức năng là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần có câu trả lời rõ ràng cho dân: Bao giờ Hà Nội hết ngập vào mùa mưa? Người dân cần sự cam kết ấy thay vì chỉ nhận được thông báo về lượng mưa, nơi bị ngập và đi cùng đó là lời giải thích theo kiểu ngầm hiểu “lỗi là ở ông Trời”. Không, lỗi không ở ông Trời mà ở con người!

Bắc Phong