Du lịch hè 2022: Cơ hội và áp lực

Minh Quân 15/06/2022 14:00

Sau những khởi động đầy ấn tượng trong bối cảnh bình thường mới, mùa hè 2022 được xem là cơ hội “vàng” cho ngành du lịch phục hồi và bứt tốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng là áp lực cho các điểm đến trước nguy cơ quá tải, bình ổn giá và nguồn lực.

Hè 2022 được dự báo là một mùa du lịch sôi động. Ảnh Ngọc Anh.

Sôi động du lịch hè

Chính thức được khởi động vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mùa du lịch hè 2022 đang tạo ra nhiều tín hiệu khởi sắc từ các điểm đến. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa trong tháng 5/2022 ước đạt 12 triệu lượt, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có khoảng 8,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch. Dự báo, trong tháng 6 và tháng 7 là tháng cao điểm hè.

Còn theo thống kê của các công ty lữ hành cũng như từ hai nền tảng đặt phòng phổ biến Agoda và Booking, các điểm du lịch trong nước hút khách nhất giai đoạn hè 2022 (từ tháng 6 đến tháng 8) là Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)…

Để thu hút du khách dịp hè, nhiều địa phương tăng cường các hoạt động quảng bá. Từ đầu tháng 6/2022, TP Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ chào hè bằng nhiều chương trình sôi động. Các hoạt động “Nha Trang - Chào hè 2022” sẽ có các điểm nhấn đặc biệt như, chương trình nghệ thuật Văn hóa dân gian Khánh Hòa “Đêm sắc màu huyền diệu”; Đêm hội thời trang “Sắc biển”; Chương trình nghệ thuật “Nha Trang - Rực rỡ những sắc màu”; Lễ hội “Ocean Holic Nha Trang 2022”.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho biết, tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp hội viên cho thấy, khách đặt kín các dịch vụ từ nay cho đến hết tháng 7. Tuy cầu hiện nay đang vượt cung, điều kiện doanh nghiệp lại khó khăn hơn trước, nhưng các doanh nghiệp du lịch uy tín vẫn cố giữ chất lượng, giá cả các dịch vụ ổn định.

Có thể nói, cùng với nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao thì việc nhiều điểm đến tổ chức các chuỗi sự kiện đang tạo nên một “bức tranh” của ngành du lịch đầy sôi động. Thậm chí, với việc chức các chuỗi sự kiện “kích cầu” đang tạo những cuộc cạnh tranh “ngầm” giữa các địa phương có lợi thế về du lịch biển.

Đơn cử như, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) với “Lễ hội hoa Sim biên giới lần thứ I”; TP Đà Nẵng tổ chức “Lễ hội tận hưởng mùa hè” diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8; Khánh Hòa tổ chức chương trình “Liên hoan du lịch biển Nha Trang”…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường du lịch hè đang tăng cao, các công ty lữ hành cũng đang nỗ lực khi đưa ra những chương trình linh hoạt, theo xu hướng nhu cầu của khách hàng. Hướng khách hàng đến những dịch vụ cao cấp hơn mà giá cả rất hợp lý; ưu tiên cạnh tranh bằng chất lượng chương trình.

Tránh “vỡ trận”

Tuy nhiên, cùng những tín hiệu khởi sắc của du lịch Việt Nam, mùa du lịch hè 2022 cũng đang tạo áp lực cho chính các điểm đến và các đơn vị lữ hành. Với nhu cầu du lịch tăng cao, quá tải đang diễn ra tại một số điểm đến, nhất là thời điểm cuối tuần. Bên cạnh đó, với việc nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được cầu đang ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục.

Bên cạnh đó, sự quá tải của các điểm đến cũng đã đang tạo ra những hiệu ứng xấu cho ngành du lịch. Đơn cử như Cát Bà (Hải Phòng), thực trạng về tắc đường, tắc phà vào dịp cuối tuần, cao điểm; vấn nạn “chặt chém” du khách mùa cao điểm vẫn tái diễn, trở thành điểm trừ lớn nhất của Cát Bà.

Hay như Phú Quốc (Kiên Giang) mặc dù là một hiện tượng của du lịch Việt Nam về tăng trưởng nhưng “song hành” với đó mỗi ngày điểm đến này phải “đón nhận” hàng trăm tấn rác, trong khi đó, năng lực thu gom mới chỉ đáp ứng trên 60%. Số rác thải chưa được thu gom và nước thải chưa qua xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hải Quỳnh, khó nhất hiện nay là dịch vụ hướng dẫn viên. Sau 2 năm nghỉ dịch nên nhiều người đã chuyển nghề. Hiện chi phí trả cho hướng dẫn viên lên tới 800.000 – 900.000 đồng/ngày, thậm chí 1 triệu đồng/ngày nhưng vẫn khó tìm. Đó là chưa kể hiện tượng đến sát giờ nhiều hướng dẫn viên hủy tour khiến đơn vị tổ chức gặp nhiều phiền phức. Do phần lớn hướng dẫn viên hiện nay hoạt động tự do nên chủ yếu dựa vào chữ tín chứ không có chế tài nào ràng buộc.

Không chỉ thiếu về nguồn nhân lực, nhiều đơn vị lữ hành cũng đang phải “gồng mình” giải bài toán cân bằng về giá. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, mặc dù giá những loại hình dịch vụ ở điểm đến đang tăng, nhưng các đơn vị lữ hành vẫn phải chịu thiệt vì đảm bảo hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó.

Với những cơ hội và cả những thách thức, du lịch hè 2022 đang tạo ra một “sức nóng” với các điểm đến. Ở đó, các địa phương cần phải có những phương án linh hoạt để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch. Còn với các doanh nghiệp lữ hành bên cạnh những nỗ lực làm mới còn phải “liệu cơm, gắp mắm” để mang đến cho du khách những chuyến du lịch đúng nghĩa, chứ không phải là những cuộc “hành xác”.

Không chỉ tập trung vào các điểm mới, lạ để mang đến trải nghiệm thư giãn cho du khách, nhiều chương trình quảng bá du lịch trên các nền tảng số cũng được triển khai để thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) được Tổng cục Du lịch triển khai trên các chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam.

Minh Quân