Cần bảo đảm tính khả thi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Mai Loan 15/06/2022 15:29

Đó là đề nghị của ĐBQH Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 15/6.

Là người công tác trong ngành dầu khí lâu năm, ĐB đã nắm vững những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động dầu khí lâu nay và vì vậy, đã đưa ra những góp ý cụ thể.

Bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, ông Hùng nói: Luật Dầu khí năm 1993 đã tạo khung pháp lý quan trọng cho ngành dầu khí triển khai mạnh mẽ các hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo, vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến năm 2021 đã ký được 108 hợp đồng dầu khí với 112 phát hiện dầu khí, khai thác được trên 420 triệu tấn dầu khí, trên 160 tỷ m3 khí tạo ra doanh thu trên 430 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 115 tỷ USD, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền quốc gia trên biển. Hình thành ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ thăm dò, khai thác, công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật cao.

Tài sản tích lũy đến tháng 12/2021 là 893,9 ngàn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tích lũy hợp nhất là 486,3 ngàn tỷ đồng và 60.000 lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, suốt những năm qua Việt Nam mới chỉ khai thác được trên 750 triệu m3 quy dầu trên tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện là 1,5 tỷ m3 quy dầu, khoảng 50%.

Ngoài ra, còn khoảng 2,2 tỷ m3 quy dầu ở khu vực tiềm năng chưa được phát huy do một số vướng mắc về cơ chế.

ĐBQH Lê Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận sáng 15/6. Ảnh: Quang Vinh.

“Chúng ta biết Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về năng lượng từ năm 2015. Nhu cầu về năng lượng sơ cấp và các sản phẩm dầu khí ở nước ta rất cao, tăng trưởng 3 đến 5% một năm. Tổng nhu cầu xăng dầu lên tới trên 20 triệu tấn một năm, so với sản lượng khai thác dầu thô 8 đến 10 triệu tấn dầu thô một năm.

Trong khi đó, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã và đang suy giảm tự nhiên, rất cần phải đẩy nhanh gia tăng trữ lượng để gia tăng sản lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới đang diễn ra tác động đến lộ trình, cơ cấu sử dụng các loại năng lượng, tạo áp lực rất lớn về mặt thời gian và sự chuyển đổi đối với năng lượng hóa thạch”, ĐB tỉnh Cà Mau nêu thêm dẫn chứng.

Từ bối cảnh nêu trên, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, điều này đặt ra yêu cấp bách và cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí để tạo cơ chế thu hút đầu tư và phân cấp quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các mỏ dầu khí vào khai thác và sử dụng. Để Luật Dầu khí sau khi ban hành bảo đảm tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ĐB đề nghị điều chỉnh bổ sung 3 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, các quy định trong Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, xác suất thành công chỉ khoảng 20%. Công nghệ hiện đại, phức tạp, an toàn môi trường cháy nổ và ảnh hưởng rất lớn từ biến động của môi trường, thị trường năng lượng gắn với an ninh, quốc phòng và chịu tác động lớn của địa chính trị.

Do đó, cần bổ sung quy định tại Điều 1 và Điều 3 sửa đổi đồng bộ với khoản 4 Điều 34 cho dự án đồng bộ siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi. Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng.

Tương tự như vậy, cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí. Xem xét loại bỏ khoản 3 Điều 34 quy định dự án dầu khí theo quy trình đầu tư công, vì việc này không khả thi.

Thứ hai, về ưu đãi cho hoạt động dầu khí. Cần bảo đảm tính khả thi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí theo nguyên tắc cạnh tranh ngang bằng với khu vực, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và của Nhà nước. Trong dự thảo đã phản ánh các ưu đãi thuế ở mức thu hồi chi phí, tuy nhiên còn thấp hơn các nước xung quanh.

Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cho chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã ký và đang thực hiện nhưng các phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian.

Đề nghị bổ sung vào Điều 64 "Trường hợp quy định về ưu đãi đầu tư mới cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư mới và trong trường hợp mà quy định thấp hơn thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định của hợp đồng dầu khí".

Vấn đề thứ ba, cần quy định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Điều 52 và Điều 53 khi Petro Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước với hoạt động dầu khí.

Theo ủy quyền của Chính phủ thì Petro Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ quản lý đối với hoạt động dầu khí do Chính phủ giao một cách rõ ràng, cụ thể, ví dụ như ký hợp đồng dầu khí, giám sát và thực hiện quản lý các hợp đồng dầu khí.

Khi Petro Việt Nam là nhà thầu dầu khí thì quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của Petro Việt Nam được quy định như các nhà thầu dầu khí khác trong Luật Dầu khí.

Mai Loan