Quảng Nam: Hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045
Chiều 15/6, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030, định hướng 2045.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT; ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp và ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay, sâm Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Tuy nhiên, việc gây trồng, chế biến, tiêu thụ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như: thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng; thiếu cơ sở chế biến sâu; công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Thông qua hội thảo này để tìm ra những hướng đi, giải pháp mới, tạo sự đột phá cho sự phát triển của sâm Việt Nam.
Theo ông Vũ Thành Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng Cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam được các chuyên gia thế giới đánh giá là loại dược liệu quý, hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu có được.
Hiện nay, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000 ha. Trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh, với hàm lượng saponin khung dammaran cao so với các loại sâm trên thế giới. Một số doanh nghiệp đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước.
Ông Vũ Thành Nam cho biết thêm, chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 phấn đấu bảo tồn diện tích có sâm phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200 ngàn ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai; cung cấp 80% giống cây sâm Việt Nam đạt chuẩn chất lượng, trong đó có 50% giống được nhân từ mô nuôi cấy; hình thành vùng nguyên liệu khoảng 27 nghìn ha; sản lượng Sâm khai thác đạt khoảng 500-700 tấn, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO…
Tại hội thảo này đã thu hút nhiều tham luận của các ngành, địa phương chia sẻ về kinh nghiệm định hướng trồng và phát triển sâm Việt tại địa phương, cũng như kiến nghị một số nội dung như: Sớm thông qua chương trình phát triển sâm Việt Nam, giai đoạn 2030, định hướng 2045; có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đầu tư trong lĩnh vực sâm nói riêng và các dược liệu nói chung; hỗ trợ địa phương xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch… phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tiếp cận thị trường thế giới.