Làm gì với những dự án 'quây tôn'?
Các dự án treo, chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất bị lãng phí, gây thất thu ngân sách. Thực tế cho thấy, hầu như địa phương nào cũng có dự án “treo” khi hàng loạt doanh nghiệp “xin đất thực hiện dự án” nhưng lại chậm triển khai đầu tư xây dựng, không thực hiện dự án như đã đề xuất trong thời gian dài.
Thống kê sơ bộ tại 48 tỉnh, thành phố, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha. Trong đó, có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng, hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích đất là 60.332,1ha.
Doanh nghiệp “ôm đất”, chính quyền khó xử
Nguyên nhân của thực tế trên một phần xuất phát từ quy định pháp luật về việc xử lý thu hồi đất thực hiện dự án khi chậm triển khai còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Ví dụ: theo quy định tại Luật Đầu tư, việc rút giấy phép đầu tư sẽ thực hiện trong trường hợp sau 12 tháng mà dự án vẫn không có hoạt động đầu tư; tuy nhiên, tại Luật Đất đai năm 2013 lại quy định, các dự án chậm triển khai sẽ được gia hạn thêm 24 tháng.
Hồi tháng 4, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Khu công nghiệp Hoàng Long; nằm trên địa bàn các xã Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) được khởi công cuối tháng 9/2015 trên diện tích gần 287 ha. Dự án này do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho 60.000-80.000 lao động. Song, sau gần một thập kỷ, nơi triển khai dự án vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn bò.
Còn tại TPHCM, lãnh đạo huyện Hóc Môn đề xuất thành phố thu hồi dự án khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng có quy mô 300ha và khu dân cư liền kề 80ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Lùi mốc thời gian vào năm 2010, TPHCM chấp thuận chủ trương giao cho Công ty cổ phần DIC làm chủ đầu tư, lập đồ án quy hoạch KCN này và khu dân cư liền kề. Tổng mức đầu tư dự kiến tại thời điểm đó khoảng 3.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến hết năm 2016; giai đoạn 2 từ năm 2017 đến 2022.
Tuy nhiên, 3 năm sau, chủ đầu tư chưa có động thái gì, các cơ quan chức năng có văn bản đốc thúc. Năm 2013, DIC có công văn cam kết hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch 1/2.000 của dự án vào năm 2014, năm 2015 sẽ hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến năm 2016, DIC bị TPHCM thu hồi chủ trương đầu tư dự án. Đến nay, dù dự án chưa có nhà đầu tư nhưng vẫn đang được quy hoạch là KCN nên hàng ngàn người dân sống trong quy hoạch “treo”.
Tại thủ đô Hà Nội, hiện cũng có hơn 200 dự án treo với tổng diện tích trên 44 triệu m2 đất chậm triển khai, để hoang hoá. Trong đó tại quận Nam Từ Liêm, từ năm 2018 đến nay có 48 dự án chậm triển khai như: Dự án Trung tâm Dạy nghề Cửu Long (phường Xuân Phương); Dự án khách sạn Hoa Sen ( phường Mễ Trì)…
Không để đất đai “nằm chờ thời gian”
Thời điểm cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, có hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn.
Báo cáo Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 3 vào chiều 23/5/2022, bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nhấn mạnh tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, do có “khe hở” nên một số địa phương “làm ngơ” cho dự án treo. Tuy nhiên, trong bối cảnh trì trệ ấy, cũng đã có địa phương “tiên phong” xử lý dự án treo.
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản yêu cầu rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tổng rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, kể cả trong các khu, cụm công nghiệp, tính đến thời điểm 30/4/2022.
Còn với Hà Nội, theo Kế hoạch số 160 của UBND TP sẽ tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả sử dụng đất nhằm tạo môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Theo lịch trình, quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ. Cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm...
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, trong quá trình rà soát, cần phân loại, tìm ra những cán bộ có trách nhiệm liên quan từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, sai sót ở đâu thì xử lý ở đó. Những ai “tiếp tay” cho dự án “treo” thì cần phải xử lý, có như vậy thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh.
CHÁNH VĂN PHÒNG HỘI KTS VIỆT NAM PHẠM THANH TÙNG:
Dự án khi được cấp phép phải tuân thủ quy hoạch
Một dự án khi được cấp phép trước hết phải tuân thủ quy hoạch, phù hợp với kinh tế địa phương, năng lực nhà đầu tư. Nhưng thời gian qua, việc cấp phép, phê duyệt dự án diễn ra quá dễ dàng, dựa vào “quan hệ thân quen”, lợi ích nhóm, vì vậy thiếu đi công tác thanh tra, kiểm tra năng lực nhà đầu tư. Đáng quan ngại nhất là sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật về quản lý đất đai, khi dự án được phê duyệt thì nhà đầu tư dùng ngay dự án đó để thế chấp ngân hàng lấy tiền đầu tư, thậm chí làm việc cá nhân khác. Hay nói cách khác, nhà đầu tư đã lấy tài sản nhà nước đi thế chấp phục vụ lợi ích riêng, còn dự án cứ nằm đó khi nào được giá thì bán sang tay, một dự án có thể sang tay 4 – 5 chủ đầu tư là chuyện không hiếm gặp.
LUẬT SƯ PHẠM BA ĐÔ - CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW:
Hạn chế trạng thái “đất hoang vẫn là đất hoang”
Có thể nêu ra một vài giải pháp nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án có sử dụng đất nhưng không thực hiện, hoặc chậm thực hiện như sau:
Thứ nhất, tạo màng lọc đối với nhà đầu tư khi quy định chặt chẽ hơn trong việc thẩm tra và đánh giá năng lực Nhà đầu tư ngay từ giai đoạn Đề xuất thực hiện dự án nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ khả năng và tiềm lực tài chính để thực hiện dự án, thay vì chứng minh năng lực bằng xác nhận số dư trong tài khoản, thì thực hiện ký quỹ đối với nhà đầu tư là cá nhân, hoặc đưa ra cụ thể các tiêu chí đánh giá gắn với báo cáo tài chính hằng năm được kiểm toán đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Thứ hai, tăng cường công tác rà soát các dự án có sử dụng đất, đồng thời, xây dựng các quy định cụ thể về chế tài thu hồi đất thực hiện dự án khi xử lý đối với vi phạm về việc chậm triển khai thực hiện dự án hoặc gia hạn tiến độ thực hiện dự án nhiều lần nhằm “dọn đường” để cơ quan quản lý, cơ quan chức năng có thẩm quyền mạnh tay áp dụng.
Thứ ba, cơ quản quản lý đất đai và cơ quan chức năng có liên quan cần có những giải pháp đề xuất kịp thời để xử lý đối với diện tích đất sau khi bị thu hồi, nhằm tránh tình trạng đất dự án sau khi bị thu hồi ở trạng thái “đất hoang vẫn là đất hoang”.
T.Hằng-M.Sang (ghi)