Xung quanh một bản kết luận điều tra ở Yên Bái – Bài 2: Có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp?

Nhóm PVĐT 16/06/2022 07:44

Luật sư Đỗ Như Thành và Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, đây là một kết luận điều tra thiếu chặt chẽ, thiếu chứng cứ để buộc tội ông Đinh Tiến Hùng. Đặc biệt, việc nếu khởi tố, truy tố, xét xử chỉ bằng lời khai… thì vô cùng nguy hiểm.

Ông Đinh Tiến Hùng trao đổi với phóng viên về vụ việc.

Luật sư nhận định thiếu chặt chẽ, mong manh chứng cứ

Liên quan đến việc ông Đinh Tiến Hùng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái, mới đây có đơn khiếu nại và kêu cứu gửi nhiều cấp thẩm quyền về việc bị khởi tố "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", Luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, bản kết luận điều tra có cơ sở khách quan làm căn cứ xác định phạm tội, không có căn cứ trực tiếp (nghe thấy, nhìn thấy, hiểu rõ...) và không có căn cứ để làm chứng cứ vật chất - điều quan trọng nhất trong tố tụng, để buộc tội ông Đinh Tiến Hùng.

"Trong các lần gặp gỡ, Đinh Tiến Hùng đều hỏi Lăng Đức Hân tình hình làm đường thế nào, nổ đá ra có quặng không" - Kết luận điều tra ghi. Vậy ông Đinh Tiến Hùng có quyền gì, cương vị và lợi ích liên quan gì để hỏi Lăng Đức Hân như vậy? Lăng Đức Hân cũng không có chuyên môn, kinh nghiệm về quặng, và kết luận điều tra cho rằng đối tượng Ngô Thanh Sơn (người được cho là do nhóm đối tượng đưa về mỏ Núi Ngàng làm kỹ thuật bóc tách quặng) mới là người có kỹ thuật về quặng, vậy tại sao ông Hùng không hỏi Sơn mà lại hỏi Hân?

Theo Luật sư Thành, kết luận điều tra khẳng định Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Tuấn đã lợi dụng việc Lăng Đức Hân nổ mìn lấy đá làm đường để khai thác quặng trái phép. Hậu và Tuấn có công ty chuyên về quặng, có máy móc tuyển quặng, chủ động đồng ý cho Hân lấy đá và khai thác quặng ở mỏ Núi Ngàng, vậy lý do gì nhóm người này phải "chia chác lợi nhuận" cho Đinh Tiến Hùng?

Mặc dù, theo cơ quan điều tra, một số lời khai của Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Tuấn, Lăng Đức Hân "đã khai báo đầy đủ và hoàn toàn phù hợp với nội dung, diễn biến của vụ án có liên quan đến Đinh Tiến Hùng", nhưng sao không cho thấy những căn cứ vật chất, tình tiết khách quan, tính phù hợp thực tế trong bản kết luận, hay là cơ quan điều tra đã "trọng cung hơn trọng chứng"?!

Luật sư Thành cho rằng, về câu nói "Các ông có mỏ, tôi có quan hệ. Bây giờ đang tiện việc làm đường thì khai thác quặng luôn, tôi sẽ đứng ra lo quan hệ và cơ chế ...” - căn cứ nào để xác định ông Hùng đã nói câu này? Tức câu nói đó tồn tại trên thực tế như thế nào để trở thành chứng cứ buộc tội? Thực tế, nhóm đối tượng Hân - Hậu - Tuấn đã bắt tay khai thác đá (lẫn quặng - theo ý đồ của Nguyễn Văn Hậu) từ lâu, vậy có cần thêm vai trò của Đinh Tiến Hùng "đi lo quan hệ, lo cơ chế"? Luật sư Thành cho rằng, điều này đã không được giải đáp trong Kết luận điều tra. Luật sư Thành cho biết, ông Hùng cũng khẳng định không hề nói câu đó, và hoàn toàn không bàn bạc gì với các đối tượng về việc khai thác quặng. “Tôi biết cái gì về quặng mà bàn, cũng lấy cái gì, ảnh hưởng gì để có thể đi “lo” cơ chế, gặp gỡ và tác động được đến ai, “lo” ở đâu, và “lo” bằng cách nào? Và tại sao tôi lại phải đi “lo” cơ chế cho các đối tượng, và đó là cơ chế gì, cơ chế đó có sức mạnh ra sao, Kết luận điều tra không giải thích điều này cho tôi?!" - ông Hùng nói.

Ngoài ra, Kết luận điều tra còn chỉ ra lời khai của bị can Lăng Đức Hân, rằng Đinh Tiến Hùng hứa với Lăng Đức Hân khi Công ty Tuyên Huy có giấy phép khai thác thì sẽ giới thiệu để Hân được khai thác thuê cho công ty này. Ông Hùng bức xúc: "Tôi có vai trò gì mà ảnh hưởng đến Công ty Tuyên Huy như vậy để hứa hẹn với Lăng Đức Hân? Và vì sao tôi phải hứa với anh ta!?". Các luật sư cũng chung nhận định, như vậy Lăng Đức Hân đã có quan hệ, móc nối, bắt tay làm ăn với Nguyễn Văn Hậu từ trước, tức với Công ty Tuyên Huy, vậy có cần Đinh Tiến Hùng giới thiệu, sắp xếp cho Hân "khai thác thuê cho Công ty Tuyên Huy"?

Nếu khởi tố, truy tố, xét xử bằng lời khai,…thì vô cùng nguy hiểm

Nhận định về vụ án trên, Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố một số người theo khoản 2 Điều 227 tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cho rằng có căn cứ oan sai và dấu hiệu không bình thường của vụ án này. Đọc kỹ kết luận điều tra, tôi nhận thấy: Trong quá trình làm đường vào mỏ Núi Ngang thì cần tỉa núi hai bên đường để đảm bảo độ rộng; tận thu phế thải đất đá mà Công ty Tuyên Huy trước đây khai thác mỏ để đắp rải đường; nền đường đi qua khu vực đã được Công ty CP khoáng sản Tây Giang khai thác xong và đã san lấp cửa hầm.

Để tránh lãng phí tài nguyên, trong quá trình làm đường, Công ty Tuyên Huy và Công ty Ngọc Tâm đã cho công nhân bóc tách quặng từ phế liệu đá làm đường hoặc trên nền đường, dọn dẹp các hầm lò để chuẩn bị khai thác;… Đá có chứa chì kẽm được tận dụng bóc tách ra từ làm đường và tạo mặt bằng chuẩn bị khai thác được 1.096 tấn, Công ty Tuyên Huy đang bảo quản và chờ khi có giấy phép mới bán số đá có chứa quặng chì kẽm nói trên. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái Trưng cầu định giá, kết quả có giá 2.026.203,381 đồng (hai tỷ hai mươi sáu triệu đồng).

Từ nội dung vụ việc nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái khởi tố vụ án và khởi tố một số bị can theo Khoản 2, Điều 227 BLHS là có dấu hiệu oan sai, theo Luật sư Triển vì:

Một là: Công ty Tuyên Huy tận thu phế liệu bóc tách đất đá làm đường có chì kẽm để tránh hoang phí, là việc làm được nhà nước khuyến khích, pháp luật bảo hộ. Mặt khác, Công ty Tuyên Huy đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ khoáng sản tại khu vực mỏ Núi Ngang; số khoáng sản tận thu bóc tách từ đất đá làm đường, đang được Công ty Tuyên Huy quản lý, chờ khi có Giấy phép khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp mới tiêu thụ, đây cũng là việc làm đúng Quyết định đầu tư, không trái pháp luật.

Hai là: Vụ việc nói trên được thực hiện do pháp nhân là Công ty TNHH Tuyên Huy đã được UBND tỉnh Yên Bái cho phép đầu tư và UBND huyện Yên Bình cho phép làm đường vào mỏ do vốn của doanh nghiệp tự đầu tư. Như vậy, giả sử có sai phạm thì phải xử lý vi phạm của pháp nhân (Công ty TNHH Tuyên Huy) theo Khoản 4, Điều 227 BLHS. Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong vụ việc này là có căn cứ oan sai.

Ba là: Dư luận trong vụ án này có dấu hiệu thiếu lành mạnh trong công tác tổ chức và cán bộ tại địa phương tỉnh Yên Bái. Bởi người bị khởi tố là Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng. Kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố một cán bộ mà chỉ căn cứ lời khai của người “làm chứng”, ngoài ra không có một chứng cứ vật chất hoặc thể hiện chứng cứ khách quan nào. Nếu khởi tố, truy tố, xét xử bằng lời khai,… thì vô cùng nguy hiểm, ai cũng có thể bị, nếu như chỉ cần tập hợp 1 số người dàn dựng kịch bản vu khống vụ việc và được khai thống nhất.

“Tôi đọc cả Kết luận điều tra vụ án, để đề nghị truy tố một cán bộ mà chỉ căn cứ lời khai của người “làm chứng”, ngoài ra không có một chứng cứ vật chất hoặc thể hiện chứng cứ khách quan nào. Nếu khởi tố, truy tố, xét xử bằng lời khai,… thì vô cùng nguy hiểm, ai cũng có thể bị, nếu như chỉ cần tập hợp 1 số người dàn dựng kịch bản vu khống vụ việc và được khai thống nhất” – Luật sư Trần Đình Triển nhận định.

Nhóm PVĐT