Hạn chế khai thác khoáng sản có tác động lớn tới môi trường

Tuệ Phương 16/06/2022 08:24

Ngày 15/6, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.

Hà Nội xử lý nghiêm hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh: Kim Anh.

Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội đề xuất mức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố tăng lên 60% so với mức quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 và mức tối đa quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng dự kiến đến năm 2025 tăng 50% so với năm 2012, do vậy mức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố đề xuất tăng thêm 50%. Ngoài ra, do đặc thù của thành phố Hà Nội theo quy định Nghị quyết số 115/2020/QH14 đề xuất tăng phí BVMT đối với khai thác khoáng sản thêm 10%.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ông Vũ Hào Quang - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp và Phân tích dư luận xã hội, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, việc tăng thu phí BVMT trên cơ sở dựa vào ước lượng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025 tăng 50% so với năm 2012 là thiếu thực tế và khá thấp, cần xem xét lại. Ông Quang đề xuất mức phí phải tăng từ 170-180% so với phí hiện tại.

Trong khi đó, TS Đinh Hạnh - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế cho biết, mức đề nghị tăng thu phí BVMT khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là 60% so với mức thu hiện hành là phù hợp, có sự đồng thuận của các đối tượng đang hoạt động khai thác khoáng sản được thể hiện trong quá trình lấy ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, không nên đồng đều giá 60% cho 8 loại khoáng sản mà cần định thuế riêng lẻ cho từng loại bởi nhu cầu, mức độ khan hiếm, mức độ gây ô nhiễm môi trường, giá cả mỗi loại khoáng sản cũng khác nhau. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm mục cơ chế quản lý nhằm bảo đảm nguồn thu được quản lý chặt chẽ hơn, tránh thất thoát…

Ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nguồn khoáng sản nói chung và tại thành phố Hà Nội nói riêng đang ngày càng cạn kiệt. Các tổ chức tham gia khai thác khoáng sản ngày càng nhiều, cùng với đó vấn đề gian lận ngày càng nghiêm trọng, giá bán tăng cao, lợi nhuận mang lại cho các đơn vị xây dựng rất lớn trong khi đó thuế đánh vào khai thác khoáng sản có tăng nhưng tỷ lệ tăng còn thấp; khai thác cát nhiều gây sụt lún các dòng sông, thay đổi dòng chảy… Chính vì vậy, cần đánh giá đúng về mức độ vi phạm môi trường để định giá thuế phí cho đúng. “Nên đặt tỷ lệ cao hơn 15-20% so với mức trung bình chứ không chỉ là 10% như bản dự thảo đưa ra” - ông Thảo nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, các căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của Nghị quyết đều rất đầy đủ, tuy nhiên cần căn cứ vào các cơ sở chính trị như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình 05 của Thành ủy Hà Nội... để dẫn dắt cho sự thay đổi về phí, mức phí.

Bà Hương nhấn mạnh, việc quy định mức phí ngoài đóng góp một phần nhỏ cho ngân sách, còn góp phần nâng cao ý thức BVMT, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, khuyến khích công nghệ khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động tới môi trường...

“Đối với mức tăng 8 loại khoáng sản, cần tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm... để xác định mức tăng cho từng loại khoáng sản, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động lớn tới sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó cần rõ trách nhiệm cơ chế quản lý và thẩm quyền chế tài xử lý vi phạm, khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đồng thời đảm bảo cơ chế linh hoạt trong điều chỉnh tăng giảm mức phí” - bà Hương khẳng định.

Tuệ Phương