Loay hoay gỡ 'chiếc áo chật'

Thành Luân 17/06/2022 13:00

TP Hồ Chí Minh đang là nơi chịu sức ép rất lớn do quá trình đô thị hóa quá nhanh, quá “nóng”. Chỉ trong 5 năm gần đây, thành phố vừa phải cân bằng giữa mục tiêu về tinh giản biên chế viên chức nhưng cũng đồng thời phải giải quyết vấn đề đô thị “phình to” gây áp lực trực tiếp lên hệ thống quản lý nhà nước ở cấp quận, huyện và TP Thủ Đức.

Khối lượng công việc lớn, cộng thêm tốc độ đô thị hóa quá nhanh đang khiến quản lý nhà nước tại TP HCM quá tải.

Nghịch lý thừa, thiếu nhân lực

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP Thủ Đức là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sức ép về cơ chế cán bộ, viên chức, công chức sau sáp nhập. Nguyên do là theo đề án thành lập TP Thủ Đức, số biên chế hành chính đến cuối năm 2022 phải ổn định là 459 người. Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phản ánh rằng, số lượng nhân lực này không thể đủ đáp ứng cho thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong điều kiện địa bàn quản lý quá lớn và đông dân (khoảng 1 triệu dân).

Câu chuyện về giảm hay giữ nguyên biên chế cán bộ, viên chức cho TP Thủ Đức sau khi sáp nhập thậm chí đã trở thành vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM thảo luận, đặt trong tương quan với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố. Dù vậy, cho đến nay câu chuyện thiếu lực lượng công chức, viên chức của TP Thủ Đức vẫn chưa được giải quyết, trong khi khối lượng công việc rất lớn.

Không chỉ riêng TP Thủ Đức, các quận, huyện cũng đang phải đối diện với tình trạng dân số tăng nhanh kèm theo các áp lực trực tiếp đối với hệ thống quản lý hành chính, quản lý nhà nước ở cơ sở. Đơn cử như huyện Bình Chánh vào năm 2019 đạt ngưỡng trên 700.000 dân nhưng sau chỉ vài năm đến nay đã và đang phải đặt ra dự báo dân số đạt ngưỡng 1 triệu dân, bao gồm cả lực lượng công nhân, lao động tạm trú từ các tỉnh và dân nhập cư.

Có những đơn vị hành chính cấp xã đã vượt ngưỡng 100.000 dân, như xã Vĩnh Lộc A (hơn 127.000 người); xã Vĩnh Lộc B (hơn 129.000 người); xã Bình Hưng (hơn 101.000 người); xã Tân Kiên (trên 60.000 người);….

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, sự gia tăng dân số cơ học đã tạo rất nhiều áp lực đối với công tác quản lý nhà nước của địa phương, nhất là bộ máy chính quyền cấp xã không theo kịp sự phát triển, áp lực lên đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Để thay đổi thực tế này, huyện Bình Chánh phải xin thêm cơ chế về viên chức, công chức phục vụ công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ hành chính.

Tuy nhiên, muốn có cơ chế này là rất khó, trừ khi UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho các xã đông dân được nâng cấp xã thành thị trấn. Từ đó, địa phương mới có thêm cơ chế hợp đồng lao động để tăng thêm lực lượng hoạt động không chuyên trách trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện một số địa phương tại TP HCM đang phải đối diện với tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc do áp lực công việc lớn cộng thêm chế độ lương thấp.

Tại diễn đàn Kết nối công chức trẻ với chủ đề “Chuyện ở phường” mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM nhìn nhận, một số quận, huyện đang thiếu lực lượng cán bộ, viên chức công chức, nhất là lực lượng không chuyên trách. Trong khi đó, số người nghỉ việc cũng đang là vấn đề mà thành phố cần phải tìm giải pháp để giải quyết.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND quận 4, cũng cho rằng việc thiếu rất nhiều lực lượng cán bộ, viên chức, công chức và lực lượng không chuyên trách trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng và đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua đã tạo một sức ép rất lớn cho quản lý nhà nước. Một phần nguyên nhân rất quan trọng là hiện nay TP HCM vẫn đang phải khoác “chiếc áo cơ chế” đã quá chật.

Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, cấp xã, phường là nơi việc nhiều, đầy áp lực nhưng chế độ chính sách còn rất khiêm tốn. Lương thấp, áp lực cao khiến không ít các địa phương rất khó tuyển dụng cả “đầu vào”, trong khi tuyển được rồi cũng rất khó giữ được người có năng lực ở lại. Có nhiều hợp đồng làm việc nhiều năm ở cấp phường, xã nhưng thi công chức không đậu đã phải chuyển sang việc khác.

Như tại TP Thủ Đức, sau thời gian sáp nhập đã chứng kiến nhiều cán bộ, viên chức, công chức, trong đó có cả người đứng đầu cấp phường xin nghỉ việc do áp lực công việc quá lớn.

Để giải quyết những vấn đề trước mắt, UBND TP HCM đã đề xuất Chính phủ tăng biên chế công chức từ 7.124 lên 10.735 người vào năm 2021. Đây là số biên chế công chức của cả năm đã được HĐND TP HCM thông qua, tuy nhiên biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao cho thành phố thời điểm năm 2021 chỉ 7.124 người. Tương tự, theo đề xuất của năm 2022 TP HCM tiếp tục xin thêm biên chế khi xem xét các khía cạnh nhu cầu thực tế của thành phố, đồng thời vận dụng một phần cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết 54) đang còn hiệu lực.

Ngoài ra, từng sở, ban, ngành cũng chủ động tăng thêm lực lượng để đáp ứng công việc trong khả năng thực tế để tạm thời giải quyết những tồn đọng hồ sơ và khối lượng công việc rất lớn chưa giải quyết kịp do 2 năm chống chọi với Covid-19.

Riêng Công an TP HCM vừa triển khai đợt tăng cường thứ hai, với tổng cộng cả 2 đợt là gần 160 cán bộ công an chính quy tăng cường cho công an tại 58 xã trên địa bàn thành phố.

“Cấp xã, phường là nơi việc nhiều, đầy áp lực nhưng chế độ chính sách còn rất khiêm tốn. Lương thấp, áp lực cao khiến không ít các địa phương rất khó tuyển dụng cả “đầu vào”, trong khi tuyển được rồi cũng rất khó giữ được người có năng lực ở lại” - bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM.

Thành Luân